Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại một số bệnh viện công lập đang có xu hướng giảm dần làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Bệnh viện gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc.
Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên, qua khảo sát, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công lập TP.HCM là 1,86, hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2.
Nguyên nhân do chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh và chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập giữ chân được người có tay nghề, người đang cống hiến cho các đơn vị y tế công lập trực thuộc. Ngoài ra, còn do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, các bệnh viện đang có nhu cầu rất cao về ngành trợ lý điều dưỡng song không có nhân sự. Sở Y tế đề xuất bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng.
Trợ lý điều dưỡng sẽ làm các công việc như hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân, làm sạch chăn drap, giường bệnh; hỗ trợ người bệnh ăn uống, di chuyển, đi làm các xét nghiệm... Tùy mô hình đào tạo, trợ lý điều dưỡng có thể lấy dấu hiệu sinh tồn, tiếp nhận ban đầu, đánh giá các chỉ số chiều cao, cân nặng... Ở Việt Nam, một điều dưỡng phải làm tất cả công việc trên.
“Có những nơi một buổi tối có khoảng 70 bệnh nhân nhưng cao nhất chỉ có 3 điều dưỡng, rất vất cả”, ông Dũng cho biết.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trên thế giới, các loại hình này rất đa dạng, trong đó ngành điều dưỡng có điều dưỡng chính (thực hành có giấy phép, chứng chỉ hành nghề), trợ lý điều dưỡng (chỉ cần giấy chứng nhận, không cần chứng chỉ hành nghề, đào tạo ngắn hạn ít nhất 3 tháng).