Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh ăn uống vừa được Ban quản lý an toàn thực phẩm trình UBND TP.HCM, hôm 24/10. Tính đến nay, các cơ sở kinh doanh ăn uống đã phải ngừng phục vụ tại chỗ gần 5 tháng.

Dự thảo gồm 6 tiêu chí, trong đó, tiêu chí đầu tiên cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm gov.vn/.

Tiêu chí 2, cơ sở phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm về trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan.

Tiêu chí 3, các cơ sở phải triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19, bố trí khu vực giao nhận sản phẩm; trang bị nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, thiết bị và khăn làm khô tay.

Tiêu chí 4, người lao động, người đến cơ sở (giao nhận hàng, khách hàng...) phải tuân thủ 5K; thực hiện quét mã QR và khai báo y tế, tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19...

Tiêu chí 5, tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn ngành y tế.

Tiêu chí 6, cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ không dùng máy điều hòa trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống Covid-19 .

Hôm qua, UBND TP.HCM đã công bố cấp độ dịch ở 22 quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, có 9 quận huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và Bình Tân là đơn vị duy nhất còn ở cấp 3 (nguy cơ cao).

Chính quyền thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương căn cứ mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh ăn uống. Hình thức bán mang về và tại chỗ phải dừng nhiều tháng qua để phòng chống dịch khiến doanh thu của ngành ẩm thực giảm mạnh.

Thống kê cho thấy, doanh thu ăn uống ở thành phố 8 tháng qua đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Kinh doanh sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng, thu hẹp kinh doanh.