Trú tại đường Hoàng Hoa Thám, phường 2, quận Tân Bình, TpHCM đã nhiều năm nay, anh Lê Thành Trung cảm nhận sự thay đổi rõ rệt nơi mình sống khi các hàng quán mọc lên như nấm. Từ sáng đến đêm, cả con đường sáng trưng ánh đèn, người người ra vào đông vui, nhộn nhịp. Bản thân anh Trung cũng thấy tiện lợi khi việc tụ tập bạn bè ăn uống cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các cuộc vui không phải lúc nào cũng trọn vẹn:

“Cũng giống như người dân thành phố, mình cũng có thói quen ăn nhậu sau giờ làm, ăn hàng sang cũng có, mà ăn vỉa hè cũng có. Cũng có lúc bị đau bụng, tuy không nghiêm trọng, chắc có thể do cơ thể mình không tiếp thu được hoặc cũng có thể do hàng quán họ làm chưa được sạch sẽ”- anh Trung cho biết.

Và tất nhiên, cũng có lúc anh Trung và bạn bè của mình tỏ ra khá lo lắng khi các quán ăn cũ rời đi và các quán mới lại xuất hiện. Những câu hỏi về việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố liệu có được thực hiện thường xuyên?

Bất chấp những quy định khắt khe về ATTP, các quán hàng vỉa hè hay trong những con hẻm vẫn vô tư mọc lên với vẻ nhếch nhác và bát nháo. Vấn đề nan giải hiện nay là cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thực phẩm tại những quán hàng có đăng ký kinh doanh, còn những quán vỉa hè, hàng rong tràn lan thì dường như khó có thể kiểm soát. Và còn rất nhiều bất cập trong việc quản lý ATTP tại TP.HCM mà người dân chưa thể cảm thấy yên tâm.

“Vì thành phố là thành phố lớn, đã có các chợ đầu mối rồi nhưng trong nội đô việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập, là người dân cũng mong muốn hạn chế các vụ ngộ độc nhưng mà các cơ quan ban ngành quản lý về ATTP còn quá mỏng, không quản lý hết được. Người dân cũng phải tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước để hạn chế được các vụ ngộ độc và cũng giúp cho việc quản lý của cơ quan nhà nước hiệu quả hơn.”- anh Nguyễn Sơn- một người dân sống tại quận Bình Thạnh nói.

Những ngày đầu năm 2024, TP.HCM đã chính thức thành lập và ra mắt Sở ATTP. Là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở ATTP nên người dân thành phố cảm thấy rất phấn khởi khi mà vấn đề ATTP đã được thành phố đặc biệt quan tâm.

Là người gắn bó với công tác ATTP TP.HCM nhiều năm qua, bà Phạm Khánh Phong Lan- Giám đốc Sở ATTP TP.HCM cũng đã từng thừa nhận những khó khăn trong công tác quản lý ATTP tại thành phố hơn 10 triệu dân này. Vậy, khi TP.HCM thành lập Sở ATTP đầu tiên trên cả nước thì liệu những khó khăn trước đây có được giải quyết?

“Về mặt pháp lý chúng tôi sẽ có những cơ sở rõ ràng hơn và cụ thể hơn để có thể là áp dụng pháp luật trong các hoạt động và chương trình về an toàn thực phẩm một cách dài hơi và tổng quát hơn. Đồng thời, nâng cao vai trò và vị thế của công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại thành phố. Mặc dù TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực cố gắng nhưng vẫn còn rất nhiều thử thách khó khăn, cho nên cần phải trang bị cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước cơ sở pháp lý thật vững vàng” – bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Một trong những vấn đề được quan tâm đó là công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Sở ATTP sẽ triển khai công tác này dựa trên những mô hình đặc thù bước đầu mang lại hiệu quả từ khi còn là Ban ATTP trước đây.

“Mô hình đội quản lý an toàn thực phẩm của chúng tôi thuộc phòng thanh tra. Với chức năng thanh tra sở được bảo đảm nhưng đội an toàn thực phẩm thì được bố trí về các quận huyện và giữ nhiệm vụ như một cánh tay nối dài của Sở, sẽ làm rất nhiều công việc. Cụ thể, từ thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm, thành viên trong ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của các quận, huyện để sát cánh cùng quận huyện trong các hoạt động kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra liên ngành” – bà Lan nói.

Bên cạnh đó, các đội an toàn thực phẩm còn phải đi lấy mẫu giám sát, xử lý ngộ độc thực phẩm, làm công tác tuyên truyền. Cho nên, việc nhập lực lượng an toàn thực phẩm đối với cả 3 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Sở Công thương thì Sở ATTP mới đủ nguồn lực để có thể bố trí thành các đội an toàn thực phẩm về các quận, huyện.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, đây cũng là một biện pháp hết sức cụ thể để có thể tăng cường được lực lượng bảo đảm an toàn thực phẩm cho địa phương. Vì như hiện nay, với những khó khăn về biên chế thì lực lượng chuyên trách về công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương quận huyện, phường xã là rất mỏng.

Với việc thành lập Sở ATTP, người dân và cộng đồng rất kỳ vọng vào các hoạt động của Sở. Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện công tác tổ chức, Sở ATTP sẽ tiếp tục nâng cao mục tiêu.

“Sở ATTP TP.HCM sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với hội công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ dừng ở mức độ là thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, mà chúng tôi sẽ mở rộng ra các hệ thống phân phối. Hoặc trong vấn đề xử phạt thì với góc độ là Sở ATTP, thanh tra của Sở ATTP chắc chắn sẽ chủ động hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào các chuyên đề như sử dụng phụ gia, quản lý thực phẩm chức năng, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc ngộ độc thực phẩm nguy hiểm, xảy ra có tính bất chợt ngẫu nhiên do Methanol hay Botulinum”- bà Lan nhấn mạnh.

Hiện nhiệm vụ trước mắt của Sở ATTP TP.HCM trong dịp đầu năm 2024 đó là công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết các hoạt động kiểm tra, giám sát đã được triển khai cách đây gần 2 tháng, tập trung đầu tiên vào các kho thực phẩm phục vụ Tết, sau đó là các chợ đầu mối. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về sử dụng thực phẩm sạch.

Mời nghe tại đây: