Cụ thể, năm 2023, dịch bệnh tay chân miệng đạt đỉnh vào tuần 23-31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41-43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm, nhưng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định tình hình dịch còn kéo dài, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Sở y tế các tỉnh, thành cần nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất.
Bởi tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 – 5 và từ tháng 8 – 9 hằng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Sở y tế thành phố khuyến cáo cách phòng bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây:
-Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
-Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
-Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
-Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
-Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
-Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần nhập viện ngay lập tức.