Anh Lương Quang Nhân phát hiện ra biểu hiện mất dần nhận thức của bố là ông Lương Quang Văn, 81 tuổi ở Thái Bình cách đây hơn 1 năm nhưng vì nhiều lý do cho đến cuối tháng 6 vừa rồi, anh mới đưa bố lên Bệnh viện Lão khoa TW khám.

Năm ngoái, tôi đưa bố đi khám sức khỏe tổng thể thì phát hiện, bố vào nhà vệ sinh nhưng khi đi ra thì ông không tìm được lối về, ông bị lạc. Từ lúc đó, tôi bắt đầu theo dõi, về nhà thấy bệnh có dấu hiệu nặng hơn. VD như đi đâu thường xuyên bị lạc hơn, không biết sử dụng điều khiển ti vi, không quyết định được việc gì dù là việc nhỏ nhất liên quan đến sinh hoạt của mình. Tôi muốn cải thiện trí nhớ cho ông thì đưa lên khám” – anh Lương Quang Nhân cho biết.

Tại khoa Thần kinh và bệnh Alzheirmer, Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, bố anh được BS Nguyễn Thị Thanh Bình hướng dẫn làm bộ trắc nghiệm thần kinh – tâm lý. Sau gần một giờ làm trắc nghiệm, BS Nguyễn Thị Thanh Bình đánh giá ông Văn bị sa sút trí tuệ ở mức độ nhẹ.

Căn cứ vào kết quả của một số xét nghiệm và cộng hưởng từ, BS Nguyễn Thị Thanh Bình kê đơn thuốc, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bệnh nhân và chỉ định ông Văn một tháng sau quay lại bệnh viện tái khám. Quá trình khám bệnh diễn ra thuận lợi, 2 bố con ông Văn đều cảm thấy hài lòng.

Theo thống kê, năm 2021, nước ta có gần 13 triệu người hơn 60 tuổi, trong đó có 5% số người mắc bệnh sa sút trí tuệ tương đương với khoảng 600 nghìn người. Tuy nhiên, số người biết rõ về bệnh của mình lại rất ít, tỷ lệ chỉ khoảng 1%. Vì vậy, hiện còn nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ bị bỏ sót, chưa được chẩn đoán. Đó là nguyên nhân khiến bệnh nhân đến Bệnh viện khám thường ở giai đoạn muộn, khó có thể duy trì được nhận thức

Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng biểu hiện bằng sự suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào lâm sàng. Sử dụng các trắc nghiệm thần kinh - tâm lý giúp chẩn đoán chính xác sa sút trí tuệ và mức độ nặng của bệnh. Những năm gần đây, bộ trắc nghiệm thần kinh tâm lý được ứng dụng ở BV Lão khoa TW cho thấy đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh.

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Bình, đây là một trong những phương pháp giúp đánh giá chức năng bộ não thông qua các bài test riêng biệt nhằm bộc lộ từng loại lĩnh vực nhận thức, có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán sớm bệnh.

Bộ trắc nghiệm thần kinh – tâm lý có 4 ý nghĩa, thứ nhất là bằng chứng khách quan giúp cho việc chẩn đoán. Thứ hai là phân biệt được thể của sa sút trí tuệ. Ví dụ như Alzheimer thì chức năng suy giảm chính là trí nhớ. Chúng tôi dựa vào nó để chúng tôi định hướng ra các thể của bệnh. Thứ ba là làm trắc nghiệm này cũng giúp chúng tôi theo dõi quá trình điều trị của người bệnh, tiến triển của bệnh. Thứ tư là đánh giá hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc cũng như can thiệp không dùng thuốc” - BS Nguyễn Thị Thanh Bình nhận định.

Bộ trắc nghiệm thần kinh – tâm lý được GS.TS Phạm Thắng – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TW xây dựng từ những năm 2004-2005 trên cơ sở thu thập thông tin, dữ liệu về bệnh sa sút trí tuệ trên thế giới. Nhưng chỉ đến thời gian gần đây, bộ trắc nghiệm này mới được áp dụng cho mỗi bệnh nhân sa sút trí tuệ khi đến bệnh viện khám và sàng lọc.

Bộ trắc nghiệm gồm có 24 trang. Người bệnh sẽ làm trắc nghiệm ở 3 phần: Phần 1 trắc nghiệm liên quan đến đánh giá nhận thức. Ở phần này, các bác sĩ có thể phát hiện sớm và phân loại bệnh. Phần 2 là làm trắc nghiệm liên quan đến ngôn ngữ, tập trung chú ý, khả năng tính toán, tâm lý, cảm xúc… để đánh giá bệnh nhân có bị trầm cảm trong sa sút trí tuệ hay trầm cảm gây sa sút trí tuệ. Ở phần 3, bệnh nhân được làm trắc nghiệm liên quan đến hoạt động hằng ngày giúp cho việc chẩn đoán và tư vấn cho người bệnh tốt hơn.

Mỗi bệnh nhân sẽ mất khoảng 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ làm bài trắc nghiệm. Nếu điểm số dưới 24 điểm trên tổng số 30 điểm, đồng nghĩa rằng bệnh nhân có thể bị sa sút trí tuệ.

"Bộ trắc nghiệm thần kinh – tâm lý phục vụ cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Số lượng bệnh nhân phát hiện ở khu nội trú tương đối lớn. Bệnh nhân có một trong những biểu hiện suy giảm nhận thức như trí nhớ, ngôn ngữ hoặc sự tập trung chú ý thì người bệnh cũng sẽ được khám sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện" – BS Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết.

Qua khám sàng lọc từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, Bệnh viện khám và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân. Tuy nhiên, để phát hiện sớm bệnh sa sút trí tuệ, khi có các biểu hiện như hay quên, quên chuyện vừa xảy ra, tên đồ vật, mất định hướng về không gian và thời gian, cho nhầm gia vị, giảm sự tập trung chú ý… thì người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám sớm, khi đó người bệnh sẽ duy trì chức năng nhận thức lâu hơn.