Chứng trầm cảm xuất hiện trong thời kỳ mang thai thường bắt nguồn do đâu? Theo TS.BS Dương Minh Tâm – Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai: Phụ nữ mang thai bị trầm cảm do những thay đổi về sinh học. Sự thay đổi hoạt động của nội tiết trong thời kỳ này ảnh hưởng rất nhiều đến các hóa chất trung gian kiểm soát cảm xúc và tâm lý. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như di truyền, nỗi lo lắng khi mang thai, những mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình hoặc thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.

Các hiện tượng như rối loạn giấc ngủ, dễ thay đổi cảm xúc hoặc lo âu thì hầu như khi mang thai phụ nữ nào cũng gặp phải. Vậy để khẳng định có mắc chứng trầm cảm hay không, các mẹ bầu cần chú ý đến những triệu chứng khác, như: Giảm sự quan tâm với những việc trước đây mình thích. Khó tập trung và đưa ra các quyết định. Mặc cảm, tự ti, dễ xúc động, khóc nhiều. Suy giảm trí nhớ, hay quên. Đặc biệt, nếu các triệu chứng này không mất đi trong vòng 2 tuần, trái lại tiến triển ở mức độ nặng hơn thì các mẹ bầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Không nên coi thường chứng trầm cảm ở phụ nữ khi mang thai vì nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường như: Sinh non, sảy thai. Trẻ sinh ra có thể bị mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Thai kỳ bị trầm cảm còn khiến người mẹ bị suy nhược cơ thể, từ đó dẫn đến ăn uống không đủ chất làm thai phát triển kém. Một số trường hợp nặng, người phụ nữ có thể xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động và dẫn đến tự sát.

Điều trị trầm cảm ở những bà mẹ mang thai rất khó khăn vì không thể dùng thuốc, chính vì thế, liệu pháp tâm lý thường được áp dụng trong các trường hợp này- theo TS.BS Dương Minh Tâm. Người chồng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp người vợ cân bằng tâm lý thông qua sự quan tâm, chia sẻ. Ngoài ra, cuộc sống vui vẻ, lạc quan, tham gia các hoạt động ngoài trời, đi xem phim, ca nhạc và vận động nhẹ nhàng cũng là những cách hiệu quả điều trị chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai.

Để tránh bị trầm cảm, các mẹ bầu cần giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, không nên suy nghĩ hoặc lo lắng nhiều. Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, nên chia sẻ với chồng, gia đình, bạn bè để san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Cùng với đó, gia đình cần có những điều chỉnh phù hợp trong ứng xử, tránh để người phụ nữ mắc phải chứng trầm cảm khi mang thai.