Chủ động thu dung, điều trị bệnh nhân thể nhẹ ngay tại địa phương

Chỉ trong vòng một tuần kể từ ngày bắt đầu đi vào hoạt động, trạm y tế lưu động đặt tại Phòng khám đa khoa khu vực Minh Phú, huyện Sóc Sơn đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Tất cả các bệnh nhân đều ở thể nhẹ song vẫn được theo dõi sức khỏe sát sao.

Với bác sĩ Phù Xuân Đương, việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 là một nhiệm vụ rất mới, trước đó anh và tất cả cán bộ nhân viên y tế tại trạm y tế lưu động Minh Phú đã được Sở Y tế tập huấn về chuyên môn đồng thời diễn tập các tình huống tiếp đón, điều trị bệnh nhân và xử trí các trường hợp chuyển nặng.

Cũng theo bác sĩ Đương, trạm y tế lưu động Minh Phú có quy mô 200 giường bệnh. Các trang thiết bị như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SPO2, bình ô xy cũng đã được cung cấp đầy đủ để theo dõi sức khỏe và đảm bảo xử trí cấp cứu cho bệnh nhân. Song song với việc theo dõi và điều trị triệu chứng, bác sĩ Đương và các điều dưỡng cũng là người giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, tin tưởng vào trạm y tế lưu động.

Anh Đức Trường – một bệnh nhân Covid-19 từng điều trị tại trạm y tế lưu động Minh Phú cho biết, các y bác sĩ thường xuyên hỏi han, hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe khiến anh cảm thấy rất yên tâm. Chỉ sau 3 ngày điều trị, anh Trường đã được về nhà trong trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo BS Lê Đức Tuyên – Phó Giám đốc TTYT huyện Sóc Sơn, ngoài trạm y tế lưu động Minh Phú, trên địa bàn huyện cũng đang thiết lập thêm 2 cơ sở điều trị điều trị F0 thể nhẹ đặt tại Đại học Điện lực và Đại học Thủ đô với tổng công suất 2.000 giường bệnh. Đồng thời, các phương án chăm sóc điều trị F0 tại nhà trong trường hợp số bệnh nhân Covid-19 tăng cao cũng đã được chuẩn bị. “Trung tâm y tế cũng đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo chống dịch của huyện Sóc Sơn, căn cứ vào chỉ số chu kỳ và đề xuất của bệnh nhân sẽ cho F0 được điều trị tại nhà. Huyện cũng đã thành lập các tổ xét nghiệm và chăm sóc F0 tại gia đình, trong đó cán bộ y tế làm nòng cốt và có sự tham gia của các tình nguyện viên thuộc Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các thành. Các tổ này cũng đã được tập huấn chuyên môn để hỗ trợ cho người bệnh điều trị tại nhà nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo”- BS Lê Đức Tuyên cho biết.

Tại huyện Thanh Trì, 16/16 xã phường thị trấn cũng đã triển khai mô hình trạm y tế lưu động đảm bảo đáp ứng việc theo dõi điều trị F0 tại nhà. Ngoài ra, huyện còn thành lập các khu thu dung, điều trị bệnh nhân nhẹ tại cộng đồng. BS Nguyễn Tiến Trung – Trưởng phòng y tế huyện cho biết – theo kế hoạch, huyện Thanh trì sẽ xây dựng 2 khu thu dung cấp huyện, 5 khu cấp xã. Hiện khu thu dung đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của huyện đã tiếp nhận bệnh nhân. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, cung cấp thuốc,trang bị đầy đủ các phương tiện theo dõi sức khỏe bệnh nhân và cấp cứu như máy đo SPO2, bình ô xy cho các trạm y tế lưu động.

“Để đảm bảo nhân lực chăm sóc điều trị F0 tại cộng đồng, huyện Thanh Trì cũng đã lên phương án, ngoài đội ngũ nhân viên y tế trong hệ thống công lập thì có thể huy động thêm y bác sĩ thuộc hệ thống y tế tư nhân, các y bác sĩ về hưu và các tình nguyện viên"- BS Nguyễn Tiến Trung cho biết thêm.

Dự kiến Hà Nội sẽ thiết lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó 20 trạm đặt ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện thành phố cũng đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm Tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn thành phố. Đây là những bước chuẩn bị cần thiết để thích ứng linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.

Làm thế nào để mô hình trạm y tế lưu động được kiện toàn?

Mô hình trạm y tế lưu động đã được áp dụng tại tình Bình Dương, TP HCM và phát huy hiệu quả trong việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế. Tại Hà Nội, chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm được đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men và đáp ứng ngay nhiệm vụ thu dung, khám, điều trị cho người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ tại địa bàn; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi bệnh nhân có tiến triển ở mức độ vừa và nặng.

Theo PGS – TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP HCM để kiện toàn và giúp trạm y tế lưu động hoạt động hiệu quả hơn, Hà Nội cũng như các tỉnh thành cần đặc biệt chú ý yêu cầu về nhân lực y tế. “Chúng ta phải đảm bảo mỗi trạm y tế lưu động có 4-5 người, ít nhất là 3 người để khám theo dõi, cấp cứu sơ bộ bệnh nhân và phải có chuyên môn y khoa. Trạm y tế lưu động không thể hoạt động nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng hoặc từ các lực lượng khác. Vai trò của người làm chuyên môn y tế dù rất tốt nhưng người đó sẽ không đủ thời gian đi tới từng gia đình. Vì vậy, nếu có tổ Covid cộng đồng thì sẽ hỗ trợ tư vấn cho người dân, sẽ làm giảm tải công việc cho nhân viên y tế và việc theo dõi F0 điều trị tại nhà hiệu quả hơn.” – PGS Đỗ Văn Dũng phân tích.

Vấn đề tiếp theo cần chú ý là đảm bảo đủ trang thiết bị hỗ trợ y tế để hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị tại nhà và kết nối chuyển viện kịp thời những ca bệnh có dấu hiệu trở nặng. PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, trạm y tế lưu động nên cho F0 điều trị tại nhà mượn máy đo SPO2. Bởi đây là thiết bị hết sức cần thiết với bệnh nhân Covid-19. Nếu bệnh nhân có máy đo SPO2 thì sẽ tự theo dõi được sức khỏe và hàng ngày nhân viên trạm y tế lưu động chỉ cần hỗ trợ từ xa cũng có thể theo dõi được diễn biến của người bệnh.

Vấn đề thứ ba, đó là sự kết nối chặt chẽ và hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên đối với trạm y tế lưu động. “Các bệnh viện tuyến trên cần sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân trở nặng để người bệnh được cấp cứu kịp thời. Có như vậy, bệnh nhân mới tin tưởng ở trạm y tế lưu động và an tâm điều trị” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.