Thế nào là chậm phát triển vận động?

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương, kỹ năng vận động bao gồm: kỹ năng vận động thô và kỹ năng vận động tinh.

Kỹ năng vận động thô tức là sự chuyển động của các khớp lớn như cổ, tay chân. Các mốc phát triển vận động thô của trẻ thường theo trình tự: kiểm soát đầu cổ - lật lẫy - ngồi bò – đi đứng - chạy nhảy.

Kỹ năng vận động tinh liên quan đến các nhóm khớp nhỏ hơn, tinh vi hơn ở bàn tay, ngón tay, cổ tay, liên quan đến những khả năng cầm, nắm đồ vật, viết, vẽ…

Trẻ được xem là chậm phát triển vận động khi chậm một trong hai kỹ năng này so với các mốc vận động bình thường của trẻ cùng lứa tuổi.

Trẻ chậm phát triển vận động cần được can thiệp sớm, đúng phương pháp

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm phát triển vận động của trẻ.

- Thứ nhất là nhóm nguyên nhân trước sinh: liên quan đến sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ mang thai như mẹ bị nhiễm virus sởi, quai bị, rubella… hay mắc các bệnh lý như tiểu đường, bệnh liên quan đến tuyến giáp hoặc nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng như chì, Asen, thủy ngân dẫn đến tổn thương não của thai nhi và chậm phát triển sau này.

- Thứ hai là nhóm nguyên nhân liên quan đến quá trình sinh nở như trẻ đẻ non, trẻ bị ngạt hoặc phải can thiệp sản khoa.

Thứ ba là nhóm nguyên nhân sau sinh như trẻ bị vàng da, bị nhiễm trùng thần kinh, viêm não, viêm màng não, chấn thương sọ não, u não hoặc não bị thiếu oxi do trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi phải thở máy…

Trước đây, trẻ chậm phát triển vận động thường không được phát hiện sớm do quan niệm “có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”. Hiện nay, thông qua các phương tiện truyền thông, các bậc cha mẹ đã quan tâm theo dõi các mốc phát triển của trẻ và đưa trẻ có dấu hiệu chậm phát triển vận động đến cơ sở y tế khá sớm, nhất là trẻ sống ở khu vực thành thị.

Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vẫn còn nhiều trẻ chưa được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Đặc biệt, có nhiều trường hợp trẻ được điều trị bằng những phương pháp dân gian như cúng bái hoặc đưa trẻ đi châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc mua trên mạng …khiến tình trạng chậm phát triển vận động của trẻ càng nặng nề hơn.

“Tại bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi đã từng chứng kiến có những trẻ đã 4-5 tuổi, thậm chí 7-8 tuổi nhưng khả năng vận động chỉ bằng em bé 3-4 tháng tuổi. Khi đưa trẻ đi can thiệp muộn thì không những ảnh hưởng đến sự phát triển vận động mà còn ảnh hưởng đến cả phát triển về trí tuệ, nhận thức và ngôn ngữ. Đồng thời quá trình can thiệp có thể kéo dài, tốn kém mà kết quả lại không thể đạt được tối đa như khi can thiệp sớm. Những trẻ này sẽ rất thiệt thòi và khó hòa nhập xã hội” - bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.

Cách nhận biết trẻ chậm phát triển vận động

Để phát hiện sớm tình trạng chậm phát triển vận động ở trẻ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu về các mốc phát triển bình thường của trẻ. Cụ thể như sau:

- Trẻ 3 tháng tuổi đã biết kiểm soát đầu cổ, nếu nằm sấp, trẻ có thể ngẩng đầu lên cao và quay đầu sang hai bên để nhìn ngó, quan sát xung quanh. Khi đặt đồ vật vào tay thì trẻ có thể tự động nắm lại.

- Trẻ 4 - 5 tháng tuổi có thể tự lật lẫy được, chủ động nằm sấp, nằm ngửa và biết cầm nằm đồ vật khi để đồ vật gần trẻ.

- Trẻ từ 7 đến 8 tháng tuổi thì phải ngồi được và có thể chủ động với, lấy đồ vật hoặc là có thể chuyển đồ vật từ tay nọ sang tay kia. Một số bé có thể cầm những vật nhỏ trong lòng bàn tay

- Trẻ 9-10 tháng tuổi phải biết bò và biết tự mình nằm, ngồi dậy. Bé có thể phối hợp nhịp nhàng giữa ngón tay cái và các ngón khác, nhặt được những vật nhỏ, hạt nhỏ.

- Trẻ từ 10-12 tháng tuổi cần phải đứng vững và khi đứng thì trẻ có thể với, cầm đồ vật xung quanh một cách rất tự nhiên, thoải mái mà không phải bám vịn. Về vận động tình thì trẻ có thể nhặt được các sợi dây hoặc là có thể cầm bóng và ném với tư thế là ném bổng, ém cao tay hoặc trẻ có thể chủ động đặt đồ chơi xuống một cách nhẹ nhàng .

- Trẻ từ 13 - 14 tháng tuổi đã đi lại vững vàng và bé có thể xếp các hình khối chồng lên nhau, chủ động lật trang sách khi cho trẻ đọc truyện.

- Trẻ từ 18 – 20 tháng tuổi đã có thể chạy, leo cầu thang, biết tự cầm thìa xúc thức ăn, biết cầm bút vạch lên giấy…

So sánh với các mốc phát triển về vận động như vừa nêu trên, nếu cha mẹ thấy con không đạt được kỹ năng vận động thô hoăc vận động tinh như vậy thì cần đưa trẻ đi khám sớm để các bác sĩ chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang hướng dẫn, chậm phát triển vận động là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa bé đến các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi để khám chữa bệnh, không nên đưa trẻ đến những nơi không có chuyên môn về y khoa tránh "tiền mất tật mang".

Việc điều trị cho trẻ chậm phát triển vận động sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý của trẻ, ít nhất cũng từ 3 tháng trở lên và có khi kéo dài hàng năm. Do đó, đòi hỏi sự kiên trì của các bậc cha mẹ để giúp con tiến bộ.