Gần đây, tại một số tỉnh thành ghi nhận nhiều trẻ mắc ho gà phải nhập viện. Trong đó, có những bệnh nhi dưới 2 tháng tuổi – độ tuổi chưa có chỉ định tiêm chủng. Giải thích về nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà, bác sĩ Nguyễn Văn Thành Trung tâm Tiêm chủng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ. Thời gian qua nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi đã mắc bệnh, nguyên nhân do trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.
Để phòng bệnh ho gà ở trẻ nhỏ cách tốt nhất là tiêm phòng vaccine ho gà. Phương pháp này có thể mang lại hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%. Lịch tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà cho trẻ em tại Việt Nam được bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi.
Do đó, để bảo vệ trẻ không bị ho gà khi chưa đủ tuổi tiêm chủng thì miễn dịch thụ động được thừa hưởng từ mẹ (kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai) là rất cần thiết. Tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà cho mẹ thời kỳ mang thai giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh ho gà cho con, đồng thời, cung cấp kháng thể phòng bệnh ho gà bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.
Bên cạnh đó những người trực tiếp chăm sóc trẻ như ông bà hoặc bố mẹ trẻ cũng nên tiêm vaccine có chứa thành phần ho gà để trực tiếp phòng cho họ và gián tiếp cho trẻ em khi chăm sóc.
Trong trường hợp thấy trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh thì cũng cần cách ly, không để trẻ tiếp xúc với những trẻ khác nhất là những bé chưa được tiêm phòng.
Về vaccine phòng bệnh ho gà, bác sĩ Nguyễn Văn Thành cho biết, hiện có loại vaccine 3 trong 1 (Tdap) được sử dụng để phòng ngừa 3 bệnh nhiễm trùng là bạch hầu, ho gà, uốn ván. Tổ chức tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine Tdap trong khoảng thời gian từ tuần thứ 27 -35 của thai kỳ. Điều này nhằm mục đích truyền kháng thể chống ho gà sang cho thai nhi, giúp trẻ sinh ra không mắc bệnh khi chưa được tiêm vaccine bảo vệ.
“Mũi tiêm vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cho bà bầu trong ba tháng cuối của thai kỳ sẽ truyền lượng kháng thể thụ động cao cho thai nhi trước khi sinh. Phụ nữ tiêm vaccine Tdap trong khi mang thai vào thời gian khuyến nghị được chứng minh đem đến hiệu quả phòng bệnh cao hơn 78% so với chủng ngừa cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván ở phụ nữ mang thai tại tỉnh Hà Nam trong giai đoạn từ tháng 2/2012 - 3/2014. Kết quả cho thấy vaccine là an toàn. Nồng độ trung bình kháng thể bảo vệ bà mẹ và của trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà ngay sau sinh ở nhóm các bà mẹ được tiêm Tdap cao hơn rất rõ rệt sau khi tiêm chủng là 6,36 lần.” - bác sĩ Nguyễn Văn Thành giải thích.
Trên thực tế, lượng kháng thể đáp ứng với vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván trong cơ thể con người sẽ giảm dần theo thời gian. Ngay cả khi phụ nữ đã từng mắc bệnh ho gà hoặc đã được tiêm vaccine trong quá khứ, khả năng miễn dịch không phải là suốt đời. Vì vậy, người mẹ có thể tiêm vaccine Tdap nhắc lại trong mỗi lần mang thai để thai nhi nhận được số lượng kháng thể bảo vệ lớn nhất, giúp chống lại những căn bệnh này một cách tối ưu.
Tuy nhiên, nếu ngay trước khi mang thai, người mẹ đã được tiêm chủng đầy đủ thì không nhất thiết phải nhắc lại vaccine này khi mang thai.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành, theo quy định của Bộ Y tế, dù bà mẹ đã được tiêm hay chưa tiêm vaccine phòng ho gà thì trẻ khi được sinh ra vẫn cần tiêm vaccine phòng căn bệnh này.
Lịch tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà cho trẻ em tại Việt Nam được bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi. Lần 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1, Lần 3: ít nhất 1 tháng sau lần 2. Tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi – dưới 2 tuổi.