Mỗi ngày, Trung tâm thính học và tiền đình, Bệnh viện TW Quân đội 108 đều tiếp nhận trẻ em có bệnh lý về khiếm thính ngay sau khi sinh và phát sinh sau đó một vài năm do các nguyên nhân:

- Di truyền chiếm khoảng 50-60% trong số các nguyên nhân. Tuy nhiên, nhiều trẻ sinh ra bị khiếm thính từ bố mẹ có thính lực bình thường. Đột biến gen gây ra nhiều dạng điếc khác nhau từ nhẹ cho tới nặng. Trẻ có thể bị khiếm thính ngay sau khi sinh ra hoặc phát sinh sau một vài năm sau đấy.

- Người mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ, rubella, virus, giang mai, herpes. Những yếu tố này gây ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thần kinh thính giác của trẻ, của bào thai. Từ đó khiến trẻ bị khiếm thính bẩm sinh.

- Tình trạng biến chứng khi sinh như trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ bị thiếu ôxy trong quá trình sinh, trẻ bị ngạt. Ngoài ra trẻ bị vàng da cũng có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh thính giác gây suy giảm thính lực bẩm sinh ở trẻ.

- Do trẻ sử dụng một số nhóm thuốc kháng sinh gây độc cho tai như thuốc aminoglycoside.

- Trẻ bị nhiễm trùng tai giữa có thể gây ra tình trạng khiếm thính tạm thời. Sau đó nếu trẻ được điều trị thì có thể hồi phục được sức nghe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì trẻ sẽ bị suy giảm thính lực vĩnh viễn.

- Trẻ bị chấn thương vùng đầu hoặc do trẻ tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài hoặc cấu trúc tai của trẻ có vấn đề gây ra suy giảm thính lực.

Ths.Bs Hoàng Thị Phương – Trung tâm thính học và tiền đình, Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, sau khi khám, tùy vào mức độ khiếm thính, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.

“Sau khi phát hiện trẻ bị khiếm thính, chúng tôi có 2 phương pháp để phục hồi chức năng nghe cho trẻ. Thứ nhất là máy trợ thính sẽ được sử dụng cho trẻ bị khiếm thính từ mức độ nhẹ đến trung bình. Bản chất của máy trợ thính là khuếch đại âm thanh, giúp cho âm thanh phóng to lên, làm cho giọng nói của người đối diện nói chuyện với trẻ phóng to lên thì trẻ nghe rõ hơn. Ưu điểm của phương pháp này dễ sử dụng,chi phí thấp hơn so với phương pháp phẫu thuật. Và đặc biệt là trẻ có thể sử dụng ngay thiết bị sau khi có kết quả đo tai.

Phương án thứ hai là cấy điện tử ốc tai. Đây là phương pháp hiệu quả đối với trẻ nghe kém ở mức độ nặng mà phương pháp máy trợ thính không thể đáp ứng” – BS Hoàng Thị Phương thông tin.

Trẻ đã bị thiếm thính cũng có nghĩa là đã bị tổn thương ở ốc tai, ở tai trong. Tùy vào mức độ tổn thương, nếu tổn thương đó ở mức độ nhẹ đến trung bình, trẻ chỉ bị nghe kém thì phương pháp máy trợ thính có thể hỗ trợ trẻ nghe. Nhưng đối với những trẻ ốc tai đã hoàn toàn mất đi chức năng của nó thì phải thay thế ốc tai đó bằng thiết bị điện tử, đó chính là phương pháp cấy ốc tai điện tử.

Theo Ths.Bs Hoàng Thị Phương, điện cực ốc tai là phương pháp ưu việt được thực hiện ở Bệnh viện TW Quân đội 108 từ năm 2016. Đến nay đã có hàng trăm trẻ bị nghe kém nặng và sâu có thể cảm nhận được thế giới âm thanh như người bình thường nhờ vào phương pháp này. Song nhược điểm của phương pháp này là chi phí đắt, đây cũng là rào cản khiến nhiều trẻ khó có thể thực hiện được.

“Tùy vào loại thiêt bị, chi phí làm điện cực ốc tai có thể lên đến từ 200- hơn 700 triệu đồng. Khuyến cáo của hãng thiết bị bên trong có thể dùng 70-80 năm, còn thiết bị bên ngoài thì cần cập nhật mới mỗi năm, linh hoạt phù hợp với nhu cầu nghe và phát triển của trẻ tương lai”.

Tuy nhiên, dù trẻ thực hiện can thiệp bằng phương pháp nào thì vẫn cần quá trình theo dõi, đánh giá liên tục 6 tháng/lần cùng với tập phục hồi chức năng ngôn ngữ. Nếu khả năng nghe của trẻ sau đó không cải thiện, các bác sĩ sẽ cân nhắc thay đổi phương pháp đối với trẻ.

Hiện nay, trên thế giới, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt cấy điện cực ốc tai cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên vào năm 2000. Trước đó, cấy điện cực ốc tai thường được thực hiện cho trẻ lớn hơn. Ở nước ta, đã có những trẻ 1-3 tuổi được thực hiện phương pháp này. Song, để thực hiện sớm, trẻ cần phải được khám sàng lọc ngay sau khi sinh 24 giờ.

“Sau khi có đánh giá bất thường về nghe, thông thường trước 1 tháng tuổi thì trẻ sẽ được theo dõi, đánh giá lại sau 1 tháng, 3 tháng. Phương pháp test sàng lọc sơ sinh là test an toàn đối với trẻ, tuy nhiên nó chỉ đánh giá sơ bộ là trẻ có nghi ngờ về tình trạng nghe kém, còn kém ở mức độ nào thì tiến hành các test thính học sâu hơn và sau 3 tháng tuổi thì trẻ sẽ được tiến hành đánh giá với mục tiêu là trẻ phát hiện nghe kém sớm và điều trị trước 6 tháng tuổi là tốt nhất" - Ths.Bs Hoàng Thị Phương nhận định.

Từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn vàng phát triển ngôn ngữ và não bộ của trẻ, nếu can thiệp khả năng nghe của trẻ sớm thì trẻ sẽ phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa.

Cha mẹ có thể nhận biết dấu hiệu bất thường của con, nếu thấy trẻ không có phản ứng với âm thanh và giọng nói thì nên cho trẻ đi khám, đảm bảo không bỏ qua giai đoạn vàng can thiệp của con.

Mời nghe bài viết ở đây: