Rối loạn học tập: Nguyên nhân di truyền chiếm tỉ lệ cao

Cháu bé học giỏi toán, nhưng lại khó khăn khi học tiếng Việt; chép chính tả; và không hiểu được nội dung bài. Cháu giao tiếp chậm chạp, thường phải dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt thay lời nói, các kỹ năng tương tác xã hội kém. Những động tác yêu cầu sự khéo léo như lắp lego, đóng cúc là thách thức với cháu – đây là câu chuyện của một bé trai 14 tuổi bị rối loạn học tập mà. BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết - Phòng Tâm thần Nhi - Thanh Thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần vừa điều trị.

"Từ lớp 1-5 bệnh nhân đáp ứng được môn Toán theo tiêu chuẩn nhưng khó khăn khi học tiếng Việt, không nghĩ ra từ, thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Cấp 2 thì khó viết được đoạn văn liền mạch, ít giao tiếp với các bạn cùng lớp, khi tương tác xung quanh thì phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể" - BS Ánh Tuyết kể lại

Khi đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, em được chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên - Rối loạn học tập. Bệnh nhân được điều trị nội trú bằng liệu pháp can thiệp tâm lý, hóa dược. Sau 10 ngày các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt buồn chán thuyên giảm. Em được xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý và cần hỗ trợ của các nhà giáo dục.

Theo BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi, Thanh Thiếu niên Viện Sức khỏe tâm thần: có khoảng 10-36% trẻ đi học bị rối loạn học tập. Có điều số trẻ được phát hiện và đưa đến bệnh viện khám rất ít.

“Rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém và thường gặp ở các bé trai. Nguyên nhân di truyền chiếm tỉ lệ cao trong rối loạn học tập của trẻ” - BS Yến thông tin

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị rối loạn học tập?

Khi ở tuổi mầm non, trẻ nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Khi ở tiểu học, trẻ học chữ cái kém, kỹ năng ghép vần kém. Khi học trung học, trẻ khó khăn về diễn đạt ngôn ngữ, từ vựng, viết chính tả …. Bệnh nhân bị khuyết tật về tính toán thường duy trì phép tính toán cộng trừ đơn giản bằng ngón tay liên tục, không phù hợp lứa tuổi. Đếm và tính toán không chính xác, không hiểu ý nghĩa của số, không nhớ các dữ kiện toán học và không có khả năng lập luận toán học. Không có sự khác biệt về giới tính, trẻ nam có các biểu hiện đi kèm như gây hấn, rối loạn cư xử và thường đến khám nhiều hơn so với trẻ nữ.

Ths Lê Công Thiện, Phó Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: rối loạn học tập biểu hiện đa dạng, tập trung rối loạn về đọc, về viết, về tính toán……bố mẹ khi dạy con học ở nhà cần chú ý các biểu hiện sau: khi đọc hay ngắc ngứ, bỏ chữ, bỏ câu, bỏ từ chẳng hạn; hoặc khi làm các phép tính phải xóa đi xóa lại, khi cộng trừ nhân chia thường xuyên bị sai. Tất nhiên những biểu hiện này phải xuất hiện trên 6 tháng.

Trẻ rối loạn học tập khác trẻ chậm phát triển như thế nào? Rối loạn học tập và khuyết tật trí tuệ cùng trong nhóm bệnh gọi là rối loạn phát triển. Tuy nhiên, khuyết tật về mặt trí tuệ sẽ ảnh hưởng trên tất cả các khía cạnh về học tập, về cảm xúc, các hành vi liên quan.

"Trẻ có vấn đề về rối loạn học tập thì chỉ liên quan đến một kỹ năng đặc hiệu như trẻ rối loạn kỹ năng đọc, kỹ năng viết hoặc kỹ năng tính toán, những hoạt động khác về mặt trí tuệ thì trẻ hoàn toàn bình thường - BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi- Thanh Thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai phân tích

Mặc dù tỷ lệ trẻ bị rối loạn học tập khá cao, nhưng số trẻ đi khám, điều trị rất ít, trừ khi đồng bệnh - đây là thực tế ghi nhận tại các cơ sở điều trị và thăm khám.

Tỷ lệ các cháu đến nhập viện rất ít, chủ yếu đến do các hậu quả của rối loạn học tập ví dụ cháu thường lo lắng, trầm cảm, lo âu không muốn đi học. khi khai thác thì mới biết cháu bị rối loạn học tập - Ths Lê Công Thiện thông tin

Trẻ rối loạn học tập có thể gặp những rối loạn phát triển khác như tăng động giảm chú ý, rối loạn về mặt vận động, rối loạn về mặt giao tiếp, hoặc rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc

Nhiều người cho rằng học sinh khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, lười học, gia đình không quan tâm... Từ đó, đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt học bài trong giờ giải lao... Những biện pháp đó khiến học sinh đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn.

Chẩn đoán và điều trị rối loạn học tập: phối hợp đa ngành

“Hiện chưa có thuốc nào được FDA phê duyệt để điều trị rối loạn này” - BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi, Thanh Thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết.

Rối loạn học tập là rối loạn phát triển, có nhiều nguyên nhân, cả di truyền và môi trường, nên để điều trị, các bác sĩ ở Viện Sức khỏe tâm thần đã can thiệp các kỹ năng học tập, kể cả các rối loạn tâm thần khác có liên quan như lo âu, trầm cảm. Quá trình điều trị cần hỗ trợ liên tục, kéo dài, phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, điều trị viên, chuyên gia tâm lý, nhà ngôn ngữ, giáo dục ...

Về “thời gian vàng” để đưa trẻ đi điều trị, BS Nguyễn Hoàng Yến cho biết càng phát hiện sớm để điều trị càng tốt. Khi phát hiện nghi ngờ trẻ cần được đánh giá, ví như trẻ lớp 2 mà vẫn tính toán bằng tay thì nên được đưa đến bác sĩ để sớm hỗ trợ cho trẻ đỡ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì là rối loạn phát triển nên rối loạn học tập có tính dai dẳng và nên đi khám khi bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng.