Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng

Cách đây hơn 20 ngày, bé Nguyễn Bá Trung Nguyên ở số nhà 30 ngõ 17 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt do nhiều ngày không ăn được gì và nôn khan, các bác sĩ đã phải truyền nước cho bé. Nằm viện được 1 ngày thì Nguyên bắt đầu sốt cao liên tục 39-40℃, bé được làm xét nghiệm và chẩn đoán mắc sởi biến chứng vào phổi.

“Bé nhập viện thì bị sốt, sốt khoảng 10 ngày, đến ngày thứ 5 thì phải thở oxy, sau đó biến chứng từ sởi sang phổi, bé khó thở nên phải thở oxy, 10 ngày cắt sốt xong thì các bác sĩ cho tiêm kháng sinh và truyền nước” – Chị Nguyễn Thu Trang – mẹ bé Nguyên cho biết.

Sau nhiều ngày điều trị tích cực, truyền kháng sinh, tình trạng của bé Nguyên đã ổn định, được các bác sĩ cho về nhà. Thế nhưng, về chưa được 2 ngày, bé lại tiếp tục sốt cao và phải nhập viện.

Chăm sóc con mệt mỏi nhiều ngày và chứng kiến nhiều ca bệnh nhi mắc sởi bị biến chứng nặng, trong đó có con mình, lúc này chị Nguyễn Thu Trang mới tỉnh ngộ việc từ chối, cương quyết không tiêm vaccine cho con trước đây là một sai lầm.

“Em chưa tiêm mũi nào cho cháu vì em không yên tâm. Do hoàn cảnh em hiếm muộn, 8 năm mới sinh được cháu, cháu lại sinh non nữa, thỉnh thoảng cháu hay ốm nên sợ cháu không chịu được nên chưa dám tiêm một mũi vaccin nào, nhưng sau trận ốm này thì em sẽ tiêm vaccine cho cháu”.

Nằm cùng phòng với bé Nguyên còn có bé Quỳnh Chi mới 7 tháng tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng bị mắc sởi do chưa được tiêm vaccine.

“Cháu chưa tiêm vaccin sởi vì chưa đến tháng. Phải đủ 9 tháng, cháu mới được tiêm vaccine. Cháu bị bệnh không biết nguyên nhân nào, cháu chưa đi học, không tiếp xúc với ai ngoài bố mẹ” – chị Nguyễn Thị Phượng – mẹ bé Quỳnh Chi cho biết.

Theo thống kê của BV đa khoa Xanh Pôn, từ tháng 9 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 80 trường hợp bệnh nhi mắc sởi, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11.

Còn tại khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, những ngày gần đây, các giường bệnh đã chật kín vì trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện khá đông, khu vực điều trị bệnh nhi mắc sởi được tách riêng để tránh lây nhiễm. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị gần 40 bệnh nhân mắc sởi. Đa số các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho và sổ mũi.

Những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi thường giống với bệnh viêm đường hô hấp, đó cũng là lý do khiến nhiều cha mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám sớm dẫn đến biến chứng nặng nề.

Hầu hết các trẻ mắc bệnh sởi là do chưa tiêm vaccine

Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tiêu hóa, dinh dưỡng, truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, qua khảo sát hầu hết những trẻ mắc bệnh sởi đến khám và điều trị là do chưa tiêm vaccine.

“Hay gặp nhất là những trẻ dưới 5 tuổi, cá biệt có một số trẻ lớn hơn 10 tuổi cũng mắc bệnh. Nguyên nhân phần lớn là do chưa tiêm vaccine, nhiều khảo sát không biết nguồn lây từ đâu, có thể do bố mẹ đưa các nguồn bệnh về, còn lại là các bạn bị lây từ các cơ sở y tế mà trẻ đã khám trước đó” - Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân cho hay.

Sởi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng não tủy… Thực tế hay gặp nhất là trẻ bị biến chứng viêm phổi.

Bản thân virus gây bệnh sởi làm tổn thương phổi, các biểu mô, hàng rào bảo vệ bị phá vỡ, vì vậy dễ đồng nhiễm với các con vi khuẩn hoặc virus khác nữa nên làm tăng khả năng viêm phổi nhiều hơn. Để tránh biến chứng nặng, bất cứ trẻ nào mà sốt cao li bì thì đều phải đi khám, cho các bác sĩ phân biệt và làm các biện pháp cận lâm sàng khác. Còn lại về lý thuyết, trong 3 ngày đầu, sởi giống các bệnh lý của virus khác, tuy nhiên, có những nét khác, sốt của sởi là sốt cao, li bì và mệt. thứ hai, viêm long đường hô hấp xung huyết nhiều, viêm kết mạc, mắt có rỉ mắt. Nếu cho con đến khám sớm thì các bác sĩ sẽ phát hiện sớm tổn thương nội mô ở trong niêm mạc má, điều trị sớm thì bệnh sẽ khỏi nhanh, không để lại biến chứng” – Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân khuyến cáo.

Phát ban ở bệnh sởi cũng khác với phát ban của các virus khác. Khi mắc sởi, phát ban ở sởi sẽ khởi phát vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh và mọc tuần tự từ mặt, ngày thứ 2 xuống thân, ngày thứ 3 là xuống chân. Và khi phát ban thì trẻ vẫn không hết sốt còn ở các bệnh lý khác, khi phát ban thì sốt cũng sẽ hết.

Ngoài ra, khi mắc sởi, ngoài sốt cao li bì, trẻ có biểu hiện mệt mỏi kèm triệu chứng viêm long đường hô hấp trên, nặng thì viêm long đường hô hấp dưới, rối loạn tiêu hóa. Khi phát ban bay đi sẽ để lại vết thâm trên da.

Theo quy định, trẻ 9 tháng tuổi mới đến tuổi tiêm chủng nhưng thực tế thời gian qua, có khoảng 27% số ca mắc sởi thuộc nhóm dưới 9 tháng tuổi. Vì vậy, mới đây, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch thời gian tới sẽ mở rộng độ tuổi tiêm chủng từ 6-9 tháng tuổi.