Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Quân Y 103 (thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà), trẻ đẻ non, béo phì, hay mắc bệnh tim bẩm sinh, thalassemia... có nguy cơ chuyển biến nặng hơn khi mắc Covid-19.

Điều tối quan trọng là cha mẹ cần theo dõi SpO2 (nồng độ oxy trong máu) và thân nhiệt của trẻ. Các dấu hiệu trở nặng, cần cho trẻ nhập viện là:

- SpO2 < 94-96% trẻ nhỏ thường đo ngón chân cái

- Sốt cao( > 38,5C) hoặc hạ thân nhiệt ( < 36C), sốt khó hạ khi phối hợp cả Paracetamol và Ibuprofen; sốt cao có tiền sử co giật; bé co giật, mất ý thức trong cơn, tay chân co quắp…

- Nôn nhiều (≥ 4 lần trong 1 giờ hay ≥ 6 lần trong 4 giờ): Nôn nhiều dẫn đến mất nước, mất điện giải gây nguy hiểm tính mạng.

- Bú kém đặc biệt là bỏ bú: sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nếu bé bỏ bú là mất nguồn cung năng lượng

- Cử động ít (chỉ cử động khi kích thích hoặc không cử động gì cả) hoặc li bì khó đánh thức hay quấy khóc nhiều: biểu hiện thiếu oxy não, tổn thương hệ thần kinh trung ương

- Bé thở nhanh ( trẻ nhỏ hơn 2 tháng: nhịp thở > 60 lần/phút; 2 - 11 tháng: nhịp thở > 50lần/phút; 1 - 5 tuổi: nhịp thở > 40 lần/phút; lớn hơn 5 tuổi: nhịp thở > 30 lần/phút):

+ Cánh mũi phập phồng theo nhịp thở hoặc thở rên

+ Thở có tiếng rít hoặc khò khè

+ Tím tái: môi, tai, đầu tay chân

+ Bé thở gắng sức: co kéo cơ gian sườn, phải cố gắng thở

- Đi ngoài phân lỏng tóe nước > 3 lần/ngày, phân lỏng hoặc tóe nước: cha mẹ cần gọi bác sĩ ngay khi trẻ có dấu hiệu này.

+ Tiêu chảy kéo dài ≥ 14 ngày

+ Tiêu chảy có máu trong phân

Ngoài ra khi thấy trẻ có các dấu hiệu như thóp phồng, chảy mủ tai, mắt trẻ bị viêm tấy hoặc chảy mủ, mụn mủ da nặng hay nhiều mụn mủ (≥ 10 mụn mủ), rốn trẻ sưng tấy hoặc chảy mủ... cha mẹ cũng cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.