Sau khi sinh em bé và xuất viện về nhà, vì bỡ ngỡ nên không ít mẹ đã sử dụng dịch vụ chăm sóc bé sơ sinh tại nhà như dịch vụ tắm, mát xa hay chăm sóc dây rốn cho trẻ. Đối với các bố mẹ trẻ hoặc mới có con lần đầu, việc tắm hay chăm sóc vùng rốn cho trẻ thực sự là một thử thách.
Hầu hết các gia đình đều rất sợ để xảy ra các tổn thương ở khu vực rốn của trẻ. Thế nhưng, chính vì sợ rốn của bé bị tổn thương nên đã có trường hợp không dám tác động lên vùng này. Mới làm mẹ lần đầu, chị Nguyễn Thu Hương, sống tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, chị đã có một trải nghiệm xót xa chỉ vì thiếu hiểu biết.
“Nhiều khi tắm nhưng mình lại không vệ sinh rốn, vùng rốn mình đặp gạc vào để rốn ko bị ướt, thậm chí không tắm cái vùng đấy và tắm xong thì không vệ sinh, cứ đắp gạc liên tục, khoảng một tuần sau thì có mùi ở phần rốn đấy và phải quay lại viện để làm vệ sinh, dùng kháng sinh và nằm viện theo dõi”- chị Hương chia sẻ.
Các biến chứng rốn có nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng của bé bởi nếu không chăm sóc rốn đúng cách sẽ bị nhiễm trùng rốn. Chị Chị Ngô Hà Liên- Điều dưỡng trưởng Khối sản- BV PS HN cảnh báo nhiễm trùng rốn dễ lan nhanh tới gan, dễ bị nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong trên trẻ sơ sinh rất cao (40-80%). Nhiễm trùng rốn cũng được coi là nguy cơ gây uốn ván rốn – một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh.
Hiện nay, trên mạng cũng đã xuất hiện thông tin về cắt rốn nhanh cho trẻ bằng laser để đỡ công chăm sóc, tuy nhiên, theo các bác sĩ, kỹ thuật này hiện chưa được Bộ Y tế cho phép. Hiện phương pháp an toàn và có lợi nhất cho trẻ vẫn là kẹp cắt dây rốn chậm. Với phương pháp này, việc chăm sóc rốn cho trẻ không quá khó, chỉ cần người chăm sóc nắm được các nguyên tắc cơ bản.
Chị Ngô Hà Liên - Điều dưỡng trưởng Khối sản- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định, việc chăm sóc rốn rất quan trọng. Vậy, để chăm sóc dây rốn đúng cách và an toàn chúng ta cần tuân thủ những nguyên tắc nào?
“Trước hết cần phải chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, đặc biệt là các dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn như tăm bông, bông y tế, dung dịch nước muối sinh lý 0,9%... Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ, vệ sinh rốn thường được thực hiện sau khi bé tắm, đi vệ sinh làm ướt rốn… Bước đầu tiên lấy bông hoặc gạc thấm nước muối sinh lý rồi lau quanh vùng rốn, nếu cần có thể nhỏ thẳng nước muối sinh lý vào chân rốn, sau đó lấy tăm bông lau sạch và thật khô”.
Chị Ngô Hà Liên lưu ý người chăm sóc bé các bước thực hiện vệ sinh rốn: “Một tay dùng gạc vô khuẩn nâng nhẹ cuống rốn, quan sát rốn xem có đỏ hay không, hoặc có chảy máu, rỉ mủ hoặc có mùi hôi không; vùng da xung quanh chân rốn có tấy đỏ hay không. Tiếp đó dùng tăm bông vô khuẩn sát trùng rốn theo thứ tự từ chân rốn, thân rốn và mặt cắt cuống rốn, sau đó sát trùng da xung quanh cuống rốn rộng ra 5cm bằng dung dịch sát khuẩn, cần để rốn thông thoáng để nhanh khô, nếu rốn tươi quá thì nên đắp nhẹ bằng gạc mỏng, chú ý không để rốn bị bịt kín quá”.
“Thông thường rốn trẻ rụng từ 7-10 ngày sau sinh. Sau 15 ngày cuống rốn phải liền hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp rốn lâu rụng hơn nhưng nếu không có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì không đáng lo. Tuy nhiên, nếu thấy bé bị sốt, cuống rốn có mùi hôi hoặc chân rốn chảy mủ, xa xung quanh rốn đỏ và mềm, bé khóc khi mẹ chạm nhẹ vào rốn, cuống rốn bị sưng và chảy máu thì người chăm sóc nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay” – chị Hà Liên khuyến cáo.
Chuyên gia y tế cảnh báo một số quan niệm sai lầm cần tránh trong chăm sóc rốn cho trẻ đó là không nên vì sợ rốn bé bị tổn thương mà chỉ đắp gạc mà không làm vệ sinh. Không lau khô kỹ vùng rốn cũng là điều cần tránh vì lau rốn bé càng khô thì càng nhanh rụng. Sau khi bé đi vệ sinh cần làm sạch rốn vì thường rốn sẽ bị dính chất thải mà nếu không để ý sẽ dễ bị nhiễm trùng. Khi rốn chưa rụng cần tránh đặt trẻ vào chậu tắm vì nước tắm không đảm bảo vệ sinh có thể gây nhiễm trùng.
Mời nghe tại đây: