Ông Phạm Ngọc Hiển – BN F0 ở Quận 4, TP. HCM vẫn chưa thể tin nổi rằng mình đã vượt qua “cửa tử” sau 22 ngày chống chọi với Covid-19 ở BV Dã chiến số 16. Nhà ông Hiển có 4 thành viên thì duy chỉ người con út xét nghiệm âm tính, 3 người còn lại gồm ông Hiển, vợ và người con lớn đều dương tính.
“Lúc vào Bệnh viện Dã chiến số 16 tôi không biết gì, không thở được, ho ra máu, phải vào thở máy. Khi chuyển qua đây, tôi như sống lại lần thứ 2, tôi uống được sữa, giờ ăn 2 suất cơm”, ông Hiển chia sẻ niềm vui ngày ra viện và không quên gửi lời cảm ơn đến đội ngũ nhân viên y tế đã ân cần chăm sóc ông trong thời gian qua.
Trước đó, ông Hiển được chuyển qua Bệnh viện Dã chiến số 16 trong tình trạng không thở được, phải đặt ECMO.
Cũng có hơn 20 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 16, chị Nguyễn Thị Thắm ở Hóc Môn cho biết, vào đây điều trị trong tình trạng nặng, mọi người trong gia đình ai cũng lo lắng. Tuy nhiên, ở đây các bác sĩ tận tâm chăm sóc như người nhà. Chị Thắm kể trong cơn mê man, chị vẫn thấy bóng dáng của các bác sĩ đi lại, “các anh chị rất dễ thương, bảo ráng lên rồi về”.
Trung tâm Hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid nặng của Bệnh viện Dã chiến số 16 sau 3 tuần hoạt động đã giúp điều trị cho 130 bệnh nhân được chuyển xuống bệnh viện tầng dưới (tầng điều trị bệnh nhẹ). Hiện bệnh nhân điều trị chuyên biệt hết liệu trình test 2 lần âm tính đã có 30 người. Trong lễ xuất viện đã có 7 người được trở về theo dõi.
GS.TS. BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ y tế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16 cho rằng, bệnh nhân ra viện là thành quả ban đầu góp phần động viên không chỉ cho nhân viên y tế mà còn cho người dân vững tin vào điều hành của Chính phủ cũng như nỗ lực của ngành y tế trong khoanh vùng dập dịch, đặc biệt điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ y tế, điều trị bệnh nhân nặng hồi sức Covid-19 đòi hỏi cường độ lao động, công sức và nguồn lực khác hẳn với bệnh nhân cách ly theo dõi, điều trị.
“Với bệnh nhân nặng hồi sức thở máy, lọc máu, ECMO, lao động chất xám, công sức anh em bỏ ra rất lớn cho đến chi phí điều trị, thuốc…Đây là thành quả ấn tượng, đền đáp công lao và mang lại niềm vui cho thầy thuốc và cũng là niềm vui chung của tất cả mọi người”.
Ông Khoa cũng cho biết, trước tình hình số bệnh nhân nặng tăng, nhiều bệnh nhân tử vong, Bộ Y tế và TP. HCM triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp nhằm giảm ca tử vong. Ba nhóm giải pháp chính là tác động vào 3 tầng điều trị.
Thứ nhất, nhóm giải pháp tác động vào Trung tâm hồi sức, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng thành phố đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị ca bệnh nặng, giảm mức độ dồn ứ bệnh nhân nặng tầng dưới. Ngay khi thiết lập xong và vận hành đã thấy rõ áp lực tuyến dưới giảm rất nhiều.
Nhóm giải pháp thứ 2 là nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng đáp ứng của các bệnh viện dã chiến, tuyến quận huyện thành phố thông qua chỉ đạo tuyến của các Trung tâm hồi sức tuyến trên trao đổi chuyên môn, hỗ trợ khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuốc và chuyên môn. Tổ chức quản lý đơn vị tuyến 2 đã được can thiệp.
Giải pháp thứ 3 là can thiệp tầng 1. Các công việc được triển khai đồng bộ như gói thuốc điều trị cho người bệnh F0 tại nhà, triển khai trạm y tế lưu động để can thiệp kịp thời đối với trường hợp cần hỗ trợ y tế, giảm được lượng người bệnh diễn biến nặng mà không có sự can thiệp kịp thời.
Theo ông Khoa, số ca tử vong ngày hôm qua cao do số ca mắc còn nhiều, số bệnh nhân nặng lớn. “Nếu đánh giá tỷ lệ tử vong có giảm hay không sẽ phải đánh giá dựa trên số bệnh nhân nặng và số cần hồi sức sẽ biết được xu hướng nhưng cảm nhận của tôi con số này sẽ giảm dần”.