Nỗi sợ mang tên “rau xanh”

Mỗi khi mâm cơm dọn ra, Chí Thành - một bạn trẻ ở Hà Nội luôn hào hứng với mọi món ăn, trừ rau. Nếu như không bị bố mẹ mắng, ép ăn, sẽ chẳng bao giờ em động đũa, mà nếu có ăn cũng chỉ gắp 1-2 miếng. “Hồi bé em không thấy kinh rau như bây giờ. Nhưng một lần em ăn rau muống gắp phải miếng có một con sâu rất to. Từ đó em thấy sợ các loại rau lá xanh”, Chí Thành hài hước chia sẻ về lý do ghét rau.

Cũng chung tình cảnh như Chí Thành là Thu Uyên ở Thanh Xuân, Hà Nội. Món rau duy nhất em ăn được đó là giá. Thói quen “nói không” với rau này đôi khi khiến em cảm thấy rất bất tiện như đi ăn các món cuốn, món nộm với bạn bè chỉ biết ngồi nhìn. Tuy vậy, Thu Uyên không biết làm cách nào để có thể ăn được rau.

Cũng thuộc team “ghét rau” nhưng Quỳnh Chi ở Bạch Mai, Hà Nội lại ý thức rằng nếu cơ thể thiếu các loại vitamin từ rau củ sẽ ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe. Giải pháp mà em lựa chọn đó là bột rau củ.

Điều gì sẽ xảy ra khi các bạn trẻ mãi duy trì thói quen ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng “thích thịt - ghét rau”?

Ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chiều cao nếu thiếu rau

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để cơ thể phát triển khỏe mạnh phải có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Trong đó, các loại rau củ trái cây là một trong số đó. Tác dụng của rau quả là cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự sống của cơ thể cũng như để đảm bảo sức khỏe. “Nếu ăn thiếu hụt nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe”, BS Bích Nga nhấn mạnh.

Đối với lứa tuổi Teen, lứa tuổi đang trong quá trình phát triển, các vitamin và chất xơ cũng đặc biệt quan trọng. Ví dụ thiếu B6, B12 sẽ gây ra vấn đề thiếu máu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tốc độ lớn, đến khả năng học tập, khả năng tập trung và trí nhớ.

Vitamin C rất quan trọng cho sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại những vấn đề oxy hóa khử. Nếu thiếu vitamin C là một điều rất tai hại đối với cơ thể.

Vitamin D cũng rất quan trọng. Vitamin D giúp cho chuyển hóa canxi ở ruột. Khi thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của xương, của răng, tốc độ lớn và phát triển chiều cao. Chúng ta có bổ sung canxi cơ thể cũng rất khó hấp thu.

Ngoài ra, chất xơ được cung cấp chủ yếu từ nguồn thức ăn rau củ có vai trò như một cây chổi để làm sạch hệ tiêu hóa và phòng chống được cả những bệnh lý về tiêu hóa bao gồm cả ung thư ruột, ung thư đại trực tràng.

Bột rau củ không thể thay thế hoàn toàn rau củ tươi

Bột rau củ là một loại thực phẩm chức năng được các công ty sản xuất quảng cáo là có thể hỗ trợ được khả năng miễn dịch cơ thể, đảm bảo được mức năng lượng và giải độc…Khi sản xuất bột rau củ, người ta có thể cho từ 25 đến 40 các thành phần khác nhau bao gồm các loại rau xanh nhiều chất xơ như rau bina, cải xoăn, cải thìa, mùi tây, rong biển, các loại cỏ như cỏ lúa mạch, cỏ lúa mì, yến mạch, một số các loại trái cây chống oxy hóa cao như Việt quất, mâm xôi và có thể bổ sung thêm một số vi khuẩn có lợi cho sức khỏe và cần thiết trong đường ruột của con người…Nguyên tắc là như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng không chắc chắn lắm về những hiệu quả được công bố.

Nếu như chúng ta chỉ sử dụng bột rau củ mà không ăn các loại rau xanh sẽ có mấy vấn đề nguy cơ không lợi cho sức khỏe. Thứ nhất, trong bột rau củ có thể nhiễm kim loại nặng trong quá trình sản xuất. Một số nghiên cứu người ta đã phát hiện ra vấn đề đó.

Thứ hai, khuyến nghị đối với nữ phải cần từ 20 – 25 gram chất xơ một ngày, còn với nam phải từ khoảng 30 gram chất xơ. Trong khi đó các loại bột rau củ thường có ít chất xơ, chỉ cung cấp khoảng 1 - 2 gram cho mỗi một khẩu phần mặc dù đã được bổ sung thêm chất xơ. Ngược lại hàm lượng chất xơ trong các loại rau củ tươi bao giờ cũng cao.

Ngoài ra, trong bột rau củ nhiều khi có nhiều các vitamin K. Vitamin này có thể tương tác với một số loại thuốc bao gồm cả thuốc làm loãng máu, vì vậy có thể gây trở ngại cho những vấn đề về điều trị.

Chính vì vậy, ăn đủ chất xơ là điều rất cần thiết. TS.BS Phan Bích Nga khuyến nghị không nên chỉ có ăn riêng một mình các loại bột rau củ mà phải kết hợp thêm rau củ tươi. Tuy vậy, nếu các bạn ăn đầy đủ lượng rau củ tươi hàng ngày thì điều này là hoàn hảo nhất.

“Chữa bệnh” lười ăn rau – không khó

Để có thể khuyến khích được các bạn tuổi Teen ăn đầy đủ được lượng rau củ và trái cây cần thiết, TS.BS Phan Bích Nga đưa ra một số các lưu ý.

Giáo dục truyền thông rất quan trọng. Ở nhà trường trong những giờ về kỹ năng có thể tổ chức các buổi nói chuyện về giá trị dinh dưỡng cần thiết của việc ăn rau củ và hoa quả, Ở gia đình bố mẹ cũng nên nói chuyện với các con trong các bữa ăn, giải thích để các con hiểu được sự cần thiết của rau củ đối với sức khỏe của con người.

Nếu chưa thích ăn rau củ, các bạn có thể kết hợp rau với các món ăn và bạn yêu thích. Ví dụ, nếu thích trứng, bạn có thể kết hợp trứng xào với các loại rau. Hay nếu bạn thích thịt bò, bạn có thể chế biến món thịt bò xay với súp rau củ hỗn hợp.

Nếu bạn quá lười ăn rau củ, bạn có thể tăng cường ăn các loại trái cây. Đấy cũng là nguồn bổ sung chất xơ và vitamin rất tốt. Với trái cây, bạn có thể ăn trực tiếp hoặc là cắt hạt lựu làm ở dạng các sa lát và trộn với một số loại sốt như mayonnaise, sốt dầu giấm…Xay sinh tố kết hợp với sữa tươi hoặc sữa chua cũng là cách hay giúp bạn hào hứng hơn với các loại trái cây.

Rau xanh luôn là “trợ thủ” đắc lực giúp bạn nâng cao sức khỏe. Và nếu biết cách sử dụng phù hợp, ăn rau còn tạo cảm giác no lâu và hạn chế cơn thèm ăn vặt, giúp bạn duy trì cân nặng lý tưởng và một cơ thể cân đối khỏe mạnh.

Nghe tư vấn của TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: