Nhan nhản những chiêu trò quảng cáo “thần dược” chữa bách bệnh

Đối với những người có hiểu biết về các loại dược liệu thường được dùng trong y học cổ truyền sẽ không lạ lẫm với cây bìm bịp hay còn gọi với cái tên phổ biến khác là cây xương khỉ. Đây là loại cây có tính mát, thường được sử dụng điều trị các triệu chứng đau nhức xương khớp do thoái hóa. Tuy nhiên, tại một cửa hàng chuyên bán online trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, tôi đã được nhân viên bán hàng tư vấn: “Chị bị bệnh xương khớp thì uống bìm bịp xương khỉ. Cây này chữa nhiều bệnh khác như mất ngủ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường chức năng gan tốt, bệnh về gan, ung thư đại trực tràng, vú và ung thư cổ tử cung”.

Giá bán cho 1kg lá bìm bịp xương khỉ khoảng 800.000đ/kg. Trong khi tôi vẫn băn khoăn về hiệu quả của loại lá cây này, chị nhân viên còn giới thiệu thêm một loại dược liệu khác có tác dụng tương đương với cây bìm bịp nhưng đạt hiệu quả điều trị cao hơn nhiều lần. Thậm chí, chị này còn ví nó như một loại “thần dược”.

Nếu dùng hiệu quả nhất thì dùng loại xáo tam phân chữa đau nhức xương khớp cực tốt nhưng giá cao hơn bìm bịp nhiều. Xáo tam phân cực kỳ hiệu quả, như một loại thần dược ý, nhiều người đã dùng loại này và kết quả rất tốt, 1,5tr/kg. Giá đắt gấp đôi cây bìm bịp xương khỉ nên tốt hơn” – Chị nhân viên bán hàng khẳng định.

Có cầu ắt sẽ có cung, với người tiêu dùng không khó tìm mua khi mà trên thị trường có vô số loại dược liệu với nhiều công dụng khác nhau. Tương tự, với loại hoa đu đủ đực, nhiều người quảng cáo loài cây này không chỉ có tác dụng chữa các bệnh viêm đường hô hấp mà còn chữa tiểu buốt, tiểu rắt, tim mạch và cả bệnh... ung thư. Lẽ dĩ nhiên đã có nhiều người sử dụng với niềm tin “tuyệt đối”: uống đều đặn hằng ngày sẽ chữa khỏi bệnh.

Không có loại cây nào được coi là “thần dược”

Mỗi cây thảo dược đều có tác dụng điều trị bệnh, song không có loại nào là “thần dược” chữa được bách bệnh – Đó là khẳng định của TS.BS Nguyễn Tiến Chung Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2.

Một loài cây, một loại thảo dược khi được ghi nhận hỗ trợ điều trị sức khỏe một số bệnh nào đó thì tác dụng này chỉ được chỉ định bởi người thầy thuốc có sự hiểu biết về 2 khía cạnh: Một là bệnh gì, hai là loài cây này được sử dụng như thế nào. Chính vì vậy, một loại cây được chỉ định sử dụng cho người A nhưng không vì thế mà người B được tùy tiện sử dụng vì đặc điểm bệnh tật của mỗi người khác nhau. Không có chuyện hy vọng người B sử dụng loại cây đó để sức khỏe tốt như người A, điều này không xảy ra. Vì vậy, không có chữ “thần dược” đúng cho tất cả mọi người” - TS.BS Nguyễn Tiến Chung nhấn mạnh.

Hiểu đúng về lá cây thảo dược

Y học cổ truyền VN có từ lâu đời, bắt nguồn từ y học dân gian, được đúc kết từ những kinh nghiệm mà trước đây cha ông truyền lại. Trong đó có việc sử dụng các loại cây cỏ xung quanh chúng ta để làm thuốc, loại cây này gọi là thảo dược, có thể sử dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Để có góc nhìn toàn diện hơn về cây thảo dược, TS.BS Nguyễn Tiến Chung cho rằng:

- Thứ nhất, mỗi một loài cây có tác dụng chữa bệnh riêng nhất định chứ không phải cứ vào trong cơ thể là sức khỏe sẽ tự khá hơn. Ví dụ như nhân trần giúp thanh nhiệt hợp với người cơ thể bị nóng trong thôi; còn tâm sen, lạc tiên giúp an thần tốt đối với người bị mất ngủ.

- Thứ hai, thảo dược tốt hay không còn phụ thuộc vào cách người uống sử dụng, ví dụ như vị thuốc sử dụng làm thuốc thì phải có liều lượng, có chỉ định hợp lý về thời gian sử dụng. Thuốc chỉ phát huy tác dụng trong thời một thời gian điều trị nhất định, nếu sử dụng quá liều vẫn có thể có tác dụng phụ. Vì vậy, người dùng nên tham khảo bác sĩ thời gian sử dụng hợp lý.

Một loại thảo dược có tác dụng gì thì cần phải có kiểm chứng, kiểm chứng qua dân gian các cụ truyền lại, hoặc kiểm chứng qua nghiên cứu khoa học. Từ những kiểm chứng đó, người thầy thuốc có nhiều thông tin hơn và sử dụng cây thuốc đó điều trị bệnh chính xác hơn. Chúng ta biết được tác dụng chính của cây đó như thế nào thì chúng ta sử dụng sẽ tốt hơn, không nên sử dụng theo thói quen. Ví dụ cây bìm bịp chủ yếu có 2 công năng chính, một là thanh nhiệt, hai là trừ thấp nên cây bìm bịp chỉ hỗ trợ điều trị một số chứng viêm trong cơ thể còn không ghi nhận trong bất kỳ tài liệu nào là cây bìm bịp có thể điều trị ung thư, không có bằng chứng khoa học” – TS.BS Nguyễn Tiến Chung khẳng định.

Uống thảo dược chữa bệnh không đúng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Chung, dù thảo dược đều có nguồn gốc từ thực vật nhưng y học ngày nay chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là cây con có tác dụng chữa bệnh, trong đó có chứa hoạt chất có tác động tương đối lớn tới cơ thể khi mình dung nạp vào. Loại thứ hai là thực phẩm có thể sử dụng hằng ngày, khi sử dụng không giới hạn mức liều, chỉ định gì đặc biệt.

Thảo dược và thực phẩm là khác nhau. Thực phẩm có thể sử dụng một cách tùy ý còn thảo dược cần có chỉ định, hướng dẫn. Thảo dược nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc cho cơ thể, gây độc cho gan, thận. Vì vậy, các khoa cấp cứu trong bệnh viện hoặc khoa điều trị bệnh mạn tính bây giờ có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, bị suy chức năng thận gan do sử dụng thảo dược không đúng cách”.

Vì vậy, để tránh rơi vào cạm bẫy của những chiêu trò quảng cáo tinh vi của những kẻ buôn bán trục lợi trên sức khỏe người khác, người tiêu dùng không nên mua thuốc, thảo dược theo hiệu ứng đám đông, theo tin đồn hoặc thông tin trên báo mạng chưa có kiểm chứng. Trong trường hợp quyết định sử dụng, người tiêu dùng nên tìm mua ở những cơ sở có uy tín, được kiểm định chất lượng để đảm bảo thảo dược đó phát huy tác dụng hỗ trợ sức khỏe mà không gây hại cho cơ thể.