Trước đây, mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên mà chị N.T.H ở phố Xã Đàn, Hà Nội làm là đun sôi 2 ấm nước đổ đầy phích trữ nước nóng, còn thừa chị để nguội cho cả nhà uống dần. Nước trong ngày uống không hết chị đun lại uống tiếp ngày hôm sau. Thế nhưng từ sau khi nghe thông tin uống nước đun đi đun lại không tốt cho sức khỏe, chị liền bỏ ra cả chục triệu đồng để mua máy lọc về uống. “Uống thế yên tâm hơn chứ bè bạn toàn nói là nước để lâu và đun nhiều lần thì không tốt gây bệnh gì đó nên sợ không dám uống nữa” – Chị N.T.H chia sẻ.

Mặc dù chưa một lần kiểm chứng thế nhưng những thông tin như vậy đã được truyền miệng nhau mà nhiều người đã nghe là tin, là lo lắng và giải tỏa nỗi lo cũng theo cách được người khác mách bảo.

Không có bằng chứng nước đun lại nhiều lần gây ung thư hay ảnh hưởng đến sức khỏe

Nước sôi đun lại là nước đun sôi để nguội, rồi được đun sôi thêm nhiều lần nữa để uống. Đã có tin đồn rằng uống nước này có hại cho sức khỏe bởi trong quá trình đun, muối nitrit được chuyển hóa từ nitrat có trong nước sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu của cơ thể, tim đập nhanh hơn, hệ hô hấp hoạt động khó khăn hơn.

Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, thành phần kim loại nitrate có tồn tại trong nước nhưng ở mức giới hạn cho phép. Khi đun sôi, chất Nitrate chuyển hóa thành Nitrite rồi tiếp tục chuyển hóa thành chất Nitrosamin. Thực tế chất này có gây ung thư cho động vật nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh gây ung thư ở người khi uống nước đun sôi, đun lại nhiều lần.

Khi đun sôi nước, hàm lượng Nitrosamin có tăng nhưng tăng không đáng kể chỉ 10%, không đủ để gây hại với sức khỏe người dùng. Chỉ những vùng sử dụng nước giếng sâu thì có lượng Nitrat cao nhưng chỉ có vấn đề đối với trẻ em thôi. Trẻ em độ khoảng 1-4 tuổi thì sẽ dẫn đến hội chứng pubemin vì lượng nitrite làm cho vận chuyển ôxy trong máu khó khăn, trẻ em bị thiếu máu và da xanh” – ông Vũ Thế Thành cho biết.

Chất Clo có trong nước sẽ tự bay hơi khi đun sôi hoặc để ra ngoài không khí

Việc sử dụng chất Clo để diệt khuẩn là yêu cầu bắt buộc. Ông Vũ Thế Thành cho rằng, phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng chất Clo để diệt khuẩn với hàm lượng 0,3-0,5mg/l. Tuy nhiên, lượng Clo còn dư nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, xu hướng sử dụng Clo cao hơn một chút xíu để khi thất thoát thì nó còn vừa phải. Vì vậy, nếu nhà ở gần nhà máy cung cấp nước thì nước sử dụng sẽ có nồng độ Clo cao hơn ở các khu vực khác. Nước có Clo có mùi gây khó chịu, có thể gây dị ứng ở một số người.

Trong trường hợp này, người dân chỉ cần để nước ra chậu hay cái xô phơi một thời gian ngắn hoặc đun sôi là chất Clo sẽ bay hết. Ngay cả chất hữu cơ do Clo tác dụng cũng không còn đáng lo ngại.

Không có bằng chứng về việc nước nhiễm Canxi gây bệnh sỏi thận:

Ở nước ta, phần lớn nước sử dụng đều có Canxi. Bằng chứng là sau khi đun nước một thời gian, ấm đun nước sẽ có những mảng đóng cặn ở phía dưới đáy hoặc xung quanh bề mặt của ấm, đó chính là nước cứng hay còn gọi là nước nhiễm Canxi. Nhiều người lo ngại, nước nhiễm Canxi nếu uống nhiều sẽ gây hại thận.

Về những lo ngại này, PGS-TS Trần Thượng Quảng – Phó Trưởng bộ môn hóa hữu cơ – trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nước đã qua Nhà máy lọc nước rồi mới đưa đến sử dụng trong các gia đình nên lượng canxi trong nước đều ở giới hạn cho phép. “Không có nghiên cứu nào nói là nước nhiễm canxi đó gây hại cho thận cả. Bệnh sỏi thận gây ra là do mình uống ít nước mới có khả năng gây ra sỏi thận mà thôi” – PGS.TS Trần Thượng Quảng nhấn mạnh.

Uống nước đun sôi để nguội là tốt nhất đối với sức khỏe

Trước khi uống, việc đun sôi nước là cần thiết để loại bỏ vi khuẩn. Nước lọc, nước máy đóng chai cũng không an toàn bằng nước đun sôi để nguội – Đó là nhận định của ông Vũ Thế Thành. “Yếu tố diệt khuẩn mới quan trọng bởi nếu không đun sôi, nước đó có thể gây bệnh kiết lị, thương hàn khi đưa vào cơ thể, lúc đó đã không còn là chuyện nhỏ nữa”.

Nước đun sôi để nguội có thể lưu giữ được 2-3 ngày, tuy nhiên để bảo đảm an toàn vệ sinh nước uống khi sử dụng, chúng ta nên thường xuyên vệ sinh cốc chén, bình đựng nước và ấm đun nước bởi đôi khi, chính thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh của chúng ta gây ra những ảnh hưởng đối với sức khỏe.