Uống nước ép rau củ hoàn toàn có thể nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng

Uống nước ép hoặc ăn rau củ, hoa quả tươi mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn khi nấu chín. Một số loại rau thường được ăn sống như rau muống chẻ, rau diếp cá, rau má, lá cải... khá ngon miệng, tuy nhiên theo BS Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Đại học Y Hà Nội: rau tươi chứa rất nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ… Nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) mới đây thông tin trong 3 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận thăm khám và điều trị 172 bệnh nhân đến từ 24 tỉnh, thành bị áp xe gan do sán lá gan lớn. Nguyên nhân được xác định là tất cả đều có thói quen ăn rau sống.

Đối với các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh khác là có, chỉ là không cao so với rau xanh. Thêm nữa, các loại giun sán hoặc trứng của chúng và các loại ký sinh trùng có trong rau củ quả thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu như bạn sơ chế không sạch sẽ, nguồn thực phẩm kém chất lượng, giun sán dễ xâm nhập vào cơ thể khi bạn uống nước ép hoặc ăn sống - BS Vi cảnh báo

Cách làm nước ép rau củ sống an toàn và đảm bảo sức khỏe

Tỉ lệ mắc bệnh do ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh sẽ rơi vào tầm 5-7% vì còn phụ thuộc vào cách bạn vệ sinh, cách bạn chế biến và phụ thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người - BS Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Đại học Y Hà Nội thông tin.

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng, bạn có thể lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, sơ chế và chế biến một cách sạch sẽ.

"Bạn sẽ phải nhặt rau, bỏ phần dập nát, phần hỏng, sau đó rửa rau rất kỹ bằng nước sạch. Tốt nhất là nên rửa dưới vòi nước chảy. Một số gia đình hay có thói quen rửa vào chậu, vô hình chung làm cát bụi bẩn vẫn ở trong chậu rửa, khi mình vớt rau lên thì có thể dính kèm theo. Vì vậy tốt nhất nên rửa từng lá rau một dưới vòi nước chảy" - BS Vi hướng dẫn.

Bạn có thể áp dụng một số biện pháp như phơi rau củ quả qua một chút dưới ánh nắng bởi vì ánh nắng có thể hỗ trợ một phần trong vấn đề diệt khuẩn. 1 phương pháp nữa thường áp dụng đó là ngâm muối nhưng bạn không nên ngâm quá dài bởi vì nồng độ ưu trương của nước muối thì có thể làm dập nát rau.

Cuối cùng khi nguồn rau sống đó không thể đảm bảo được hoặc nếu cho trẻ nhỏ ăn bạn có thể chần qua một chút với nước sôi, cũng đảm bảo mình diệt được một phần giun sán.

Nếu như bạn có thói quen thường xuyên ăn rau sống, salad, nước ép rau củ quả tươi, việc tẩy giun 6 tháng/lần là điều cần thiết để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán "Và sẽ tẩy giun cho cả gia đình bởi vì chỉ 1-2 người tẩy mà những người còn lại không tẩy thì hoàn toàn có thể lây giun sán giữa mọi người trong gia đình có cùng chế độ ăn" - BS Vi khuyến cáo.

Mời bạn nghe hướng dẫn chi tiết của BS Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Đại học Y Hà Nội sau đây