Trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, số mũi tiêm thực hiện hằng năm khoảng 40 triệu các loại.

Từ cuối 2022 đến nay, vì những "thủ tục hành chính": chuyển ngân sách mua sắm vaccine từ trung ương (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chịu trách nhiệm mua sắm và phân bổ) về địa phương đã khiến tình trạng thiếu vaccine xảy ra liên tục.

Cuối 2022, Bộ Y tế đã điều phối tỉnh còn vắc xin về tỉnh thiếu/hết, cao điểm từ tháng 2-2023 thì nhiều tỉnh bắt đầu hết vắc xin 5 trong 1, vắc xin DPT (3 trong 1) và nhiều vắc xin khác.

Thời điểm này, TP.HCM cho biết có vắc xin chỉ còn 98 liều, nhiều loại chỉ đủ dùng trong hai tuần nữa. Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự: DPT hết từ tháng 4-2023, sởi đơn hết từ tháng 9-2023, viêm gan B hết từ tháng 10-2023...

Điều đó có nghĩa các cháu đến lịch tiêm chủng hoặc là phải chờ (trong sự lo lắng của cha mẹ, ông bà rằng nếu có dịch xảy ra mà không may con mình mắc bệnh sẽ ân hận) hoặc đi tiêm chủng dịch vụ với giá cao.

Từ 1981, Việt Nam đã bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ đó đến nay, đây là chương trình gắn bó với trẻ em và có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em.

Đây là chương trình sử dụng ngân sách, và để được nhận những hỗ trợ từ quốc tế (như trước khi tiêm vaccine 5 trong 1 rộng rãi, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ vaccine này ở giai đoạn đầu, sắp tới vaccine ngừa ung thư cổ tử cung cũng tương tự...), Chính phủ cũng đã có cam kết cung cấp tài chính để triển khai chương trình theo hướng bền vững.

Nhưng một năm qua, chỉ do những thay đổi như "ai mua vắc xin" và "giá vaccine thế nào", việc tiêm chủng cho trẻ đã bị gián đoạn, dịch bệnh đã xảy ra ở một số nơi, dịch bạch hầu xuất hiện tại Hà Giang và Điện Biên.

Theo tìm hiểu, một trong những lý do chính dẫn đến việc mua sắm vắc xin chậm trễ, mặc dù từ tháng 7-2023 Thủ tướng đã chấp thuận giao Bộ Y tế triển khai mua sắm như cũ, là giá vắc xin của các nhà sản xuất đã thay đổi và cần thẩm định lại.

Tuy nhiên đã ba tháng kể từ khi Thủ tướng có văn bản, việc mua vaccine cho các cháu vẫn cứ đang trong "quy trình".

Nếu không có một số vaccine viện trợ thì tình trạng thiếu thốn còn trầm trọng hơn nữa. Nay vắc xin viện trợ đã hết, thủ tục vẫn chưa xong, vắc xin lại quay trở về thiếu thốn như cũ và tình trạng này dự kiến kéo dài đến tháng 12 tới.

Không chỉ thiếu vaccine, nhiều thuốc và vật tư, thiết bị y tế cũng luôn ở tình thế để người bệnh phải chờ. Hỏi lãnh đạo ngành y tế, hỏi giám đốc bệnh viện thì ai cũng nói là "đỡ rồi', "giải quyết được rồi", nhưng người bệnh đến bệnh viện vẫn phải hẹn, phải chờ nhiều ngày hoặc bị từ chối, chuyển ra bệnh viện tư.

Hồi dịch COVID-19, lý do nhiều người đưa ra là đứt gãy chuỗi cung ứng; giờ đây bệnh viện tư, phòng tiêm chủng tư đủ vắc xin, đủ thuốc mà công lập thì cứ phải chờ, phải thiếu, vì sao?

Một gói tiêm chủng nếu ra cơ sở tư nhân là cả chục triệu đồng, trong khi chúng ta đang miễn phí tiêm chủng cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nghịch lý này không thể để kéo dài hơn nữa.