Vấn đề đặt ra, nếu kiểm soát tốt khâu an toàn thực phẩm, áp lực trong điều trị có xảy ra hay không? Phóng viên VOV2 phỏng vấn PGS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, trường Đại học Y Hà Nội:

Phóng viên: Thưa PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, gần đây liên tiếp xuất hiện chùm ca bệnh nhiễm chất kịch độc Botulinum. Là một chuyên gia về an toàn thực phẩm, ông nghĩ như thế nào trước thực trạng này?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng: Trước đây ngộ độc do vi khuẩn kỵ khí Clostrodium Botulinum ít xảy ra nhưng hiện nay ở Việt Nam ghi nhận ca nhiễm độc ở nhiều địa phương khác nhau – đây là điều đáng tiếc với gia đình người bệnh. Trên thế giới, ngay cả các nước phát triển, nếu không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm, người dân hoàn toàn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn này.

Trong điều kiện hội nhập, có rất nhiều thực phẩm trên thế giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó việc thực hành sản xuất an toàn thực phẩm của chúng ta nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xuất hiện trong thực phẩm và xuất hiện bệnh.

Phóng viên: Botulinum độc tính cao thường có mặt trong những sản phẩm thực phẩm nào thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng: Ngộ độc Botulinum ít gặp, tuy nhiên rất nguy hiểm có thể gây chết người và gây những đợt bùng phát nhỏ qua thức ăn nhiễm độc. Bệnh gây ra bởi độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum. Đây là vi khuẩn gram (+) kỵ khí, tức là chỉ phát triển sinh sôi trong môi trường ít lưu thông khí hoặc được đậy kín, còn môi trường không phù hợp thì nó ngủ dưới dạng bào tử, cho nên bệnh botulinum hay gặp nhất là do ăn phải thức ăn đóng hộp không vệ sinh, kế đến là thực phẩm lên men, nhất là các thực phẩm có tính axít thấp.

Ở Việt Nam, các thực phẩm đóng hộp ví dụ như thịt hộp, cá hộp, cá hồi, cà chua đóng hộp, đậu hũ đóng hộp… rồi tất cả các loại rau hoặc nước hầm, thịt hầm, soup hầm, các món ăn mà chúng ta đóng trong hộp nhựa, hộp thủy tinh là những thực phẩm dễ có độc tố Botulinum.

Phóng viên: Nhân đây, xin ông cung cấp một số thông tin cơ bản về Botulinum mà nhiều người thường mơ hồ, nhầm lẫn. Cụ thể: môi trường thuận lợi để vi khuẩn Clostridium Botulinum sinh độc tố? Bếp ăn gia đình có kiểm soát được rủi ro này hay không?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng: Trên thực tế ở các nước tiên tiến, hơn 1/2 các trường hợp ngộ độc Botulinum là do ăn thức ăn đựng trong hộp nhựa, thủy tinh lâu ngày.

Nhiệt độ ở khu bếp không đảm bảo, ấm nóng chẳng hạn, 20-45 độ C là điều kiện lý tưởng cho con vi khuẩn phát triển. Rồi môi trường ở đó ít có sự cạnh tranh, ví dụ các con vi khuẩn khác yếu hơn con vi khuẩn này thì cũng là điều kiện để con vi khuẩn C.Botulinum phát triển lên. Dầu thực phẩm, nước sốt trong bếp ăn gia đình cũng có thể xuất hiện loại vi khuẩn này.

Phóng viên: Thói quen tiêu dùng của người dân cần được nhìn nhận như thế nào trong câu chuyện ngộ độc Botulinum trong thời gian gần đây?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng: Người tiêu dùng cần thay đổi thái độ và thực hành trong việc mua, lựa chọn thực phẩm. Chúng ta lựa chọn thực phẩm ở các địa chỉ có nguồn gốc rõ ràng. Chúng ta nên có thói quen kiểm tra chất lượng thực phẩm ví dụ như đồ hộp móp, méo hoặc đồ thủy tinh vỡ hoặc thời hạn sử dụng của thực phẩm không còn thì không sử dụng

Phóng viên: Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium Botulinum trong thực tế vẫn còn. Theo ông, để ngăn chặn những nguy cơ tương tự, cần làm rõ những vấn đề nào?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng: Rủi ro về an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất cứ doanh nghiệp chế biến thực phẩm nào. Vấn đề là phải kiểm soát được quy trình để hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất. Công tác quản lý từ lúc sản xuất cho đến bàn ăn, chuỗi cung ứng thực phẩm. Nghiên cứu phát triển về mặt công nghệ, giám sát sức khỏe cộng đồng cũng như hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng để giúp chúng ta có kinh nghiệm phát hiện xử lý vấn đề, nâng cao khả năng phòng bệnh

Phóng viên: Hiện việc điều trị cho 3 trường hợp bị ngộ độc Botulinum ở TP.HCM đang rất nan giải do hiện nay nước ta đã hết thuốc giải độc tố. Đây không phải là những ca đầu tiên bị ngộ độc Botulinum và cũng không phải lần đầu chúng ta đối mặt với vấn đề thiếu thuốc giải độc tố. Vậy theo ông, về lâu dài chúng ta cần có sự chuẩn bị như thế nào để không ở vào tình thế bị động trong điều trị như hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng: Ngộ độc Botulinum rất hiếm gặp không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng gặp tình trạng này. Bệnh hiếm gặp nên thuốc cũng hiếm gặp, mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh hoặc là vài chục ca bệnh nhưng chúng ta không có thuốc dự trù. Thêm nữa thuốc giải độc Botulinum cũng chưa có trong danh mục thuốc Bảo hiểm. Vì vậy về lâu dài Bộ Y tế cần đề xuất và tham mưu với Chính phủ xây dựng cơ chế đảm bảo cung cấp thuốc cho các bệnh hiếm gặp và có cơ chế thanh toán thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Rồi có phương án sử dụng thuốc hạn chế nguồn cung này nếu nó bị quá hạn sử dụng nhưng không có bệnh nhân. Ngoài ra cần có chính sách trợ giá, giảm thuế cho doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thuốc hiếm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Quang Dũng.

Cách biện pháp vệ sinh khi chế biến thức ăn.

- Rửa tay sạch với xà phòng trước khi chế biến, đeo găng tay sạch

- Rửa sạch thức ăn trước khi chế biến

- Dùng thớt sạch

- Vệ sinh bếp, dụng cụ trước và sau khi chế biến

- Dùng nước đun sôi để chế biến

- Nên thêm chút giấm chua để tăng tính acid.

- Rau củ có ngâm dầu thì để trong tủ lạnh.

- Các loại rau củ ngâm khác nếu không để tủ lạnh thì phải để nơi mát, khô ráo

- Ăn không hết thì cho ngay vào tủ lạnh, tốt nhất là ăn trong 10 ngày, nhất là loại ngâm dầu

- Không để thức ăn ngâm, ủ quá 1 năm

- Luôn kiểm tra thức ăn trước khi ăn

- Nếu được nên nấu chín, hấp trước khi ăn vì độc tố botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao.