Khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp đảm bảo hạnh phúc gia đình, nâng cao chất lượng dân số

Hàng năm nước ta có khoảng 1,5 triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 20 nghìn trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh và mắc bệnh lý di truyền. Nhằm giúp nam nữ thanh niên chuẩn bị lập gia đình biết được tình trạng sức khỏe của bản thân, ngăn ngừa từ sớm các bệnh lý di truyền, nâng cao chất lượng dân số, mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Phải khẳng định khám sức khỏe trước khi kết hôn là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hạnh phúc của mỗi gia đình, sức khỏe giống nòi và tương lai đất nước. Tuy nhiên, việc luật hóa quy định này còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa thống nhất. BS Mai Xuân Phương – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, Tổng cục Dân số (nay là Cục Dân số), Bộ Y tế nếu quan điểm, với thực tế nước ta hiện nay, việc bắt buộc nam nữ thanh niên phải tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

BS Mai Xuân Phương phân tích, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Đây cũng là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước và hơn thế nữa là nguồn lực lao động cho xã hội.

Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là một giải pháp cần thiết giúp cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn có kiến thức, tâm lý, sức khỏe sẵn sàng cho khởi đầu cuộc sống hôn nhân và tình dục khỏe mạnh, an toàn.

Đặc biệt đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.

Hoạt động này rất cần thực hiện để tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống.

Chưa thể luật hóa bắt buộc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn

Hiện nay, việc khám sức khỏe sức khỏe trước khi kết hôn đều là do nam nữ thanh niên tự thực hiện, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi cặp đôi. Các văn bản pháp lý như Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Nghị định của Chính phủ đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Vậy nếu muốn luật hóa việc này thì cần chú ý tính đồng bộ của hệ thống luật pháp tránh xung đột trong khi việc góp ý chỉnh sửa đồng nhất các văn bản quy phạm pháp luật không thể một sớm, một chiều…

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, chưa thể quy định luật hóa tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn bởi các lý do sau:

-Ngành Y tế chưa đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn: Điều tra gần đây cho thấy, 46,3% cán bộ y tế cho rằng, cơ sở vật chất chưa đủ; 43,3% đánh giá thiếu cán bộ chuyên môn để cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước kết hôn. Trong điều kiện như vậy, việc dành ưu tiên trước hết cho việc phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn không thể ngày một ngày hai.

- Việc "đồng loạt" tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn có thể làm tăng thêm sự quá tải đối với hệ thống y tế. Hệ thống Y tế hiện nay luôn quá tải đối với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu triển khai thêm nhiệm vụ này cho khoảng 1,5 triệu người kết hôn hàng năm sẽ càng làm hệ thống này quá tải không dễ gì đáp ứng đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xã, vùng khó khăn….

- Bắt buộc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn có thể làm tăng tỷ lệ hôn nhân không đăng ký kết hôn. Hiện nay, tỷ lệ hôn nhân không đăng ký vẫn còn cao, đặc biệt là ở miền núi. Nếu thêm thủ tục hành chính (thêm giấy chứng nhận đã kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân), tỷ lệ này có khả năng tăng lên gây phức tạp thêm trong quản lý xã hội.

Nên tuyên truyền, vận động thay vì quy định bắt buộc

Theo BS Mai Xuân Phương, có thể thay thế biện pháp hành chính bắt buộc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn bằng nhiều biện pháp khác.

“Tuyệt đại bộ phận nam nữ thanh niên kết hôn hiện nay và trong tương lai sinh ra trong thế kỷ 21, thuộc thế hệ internet, có trình độ học vấn khá cao, giao lưu rộng, dễ tiếp thu cái mới, cái có ích, cái tiến bộ. Vì vậy, thay vì sử dụng biện pháp hành chính bắt buộc nên trước mắt nên đa dạng hóa các biện pháp, như: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, trong nhà trường cũng như ngoài xã hội để người dân hiểu được khám sức khỏe trước hôn nhân là bảo vệ chính mình và những đứa con của mình. Đưa quy định này vào hương ước để nhân dân thực hiện; khuyến khích, hỗ trợ, chẳng hạn, giai đoạn đầu có thể miễn phí cho người khám sức khỏe trước kết hôn…” – Bác sĩ Mai Xuân Phương chia sẻ.

Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đặc biệt là cơ quan chuyên môn y tế trong công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để từng bước thay đổi nhận thức, hành vi…

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực…cho hệ thống y tế để tăng cường khả năng tiếp cận việc khám sức khỏe đến các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn.

BS Mai Xuân Phương cũng đề xuất, trước hết nên triển khai các mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn sau đó đánh giá, tổng kết mô hình hiệu quả rồi mới nhân rộng. Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích nam nữ thanh niên tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Bởi đây là những khu vực mà tỷ lệ người mang gen và mắc một số bệnh lý di truyền bẩm sinh như Thalassemia... còn khá lớn, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dân số.