Mới đây, trong một cuộc tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, người dân tỉnh Bến Tre tiếp tục kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện nhằm giảm phiền hà cho bệnh nhân. Trước đó, trong phiên thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí (nguyên giám đốc Viện huyết học truyền máu TW) cũng đưa ra quan điểm tương tự là cần sớm bãi bỏ giấy chuyển viện.

Ghi nhận thực tế, phóng viên VOV2 cũng nhận được những phản hồi về một số phức tạp, phiền hà từ giấy chuyển viện. Như trường hợp ông Nguyễn Tuấn Anh (Phù Yên, Sơn La), sau 1 tuần điều trị biến chứng tiểu đường không khỏi, ông ở nhà thêm 1 tuần nữa thấy bệnh ngày một nặng lên. Trở lại bệnh viện tuyến huyện, lúc này ông xin được chuyển lên tuyến trung ương.

“Tôi phải xét nghiệm đi xét nghiệm lại mới được chuyển đi. Thời gian là 2 hôm mới làm xong các thủ tục. May mà có giám đốc ở nhà chứ không thì còn phải chờ thêm 2-3 ngày nữa, vì hôm đó là thứ 6”, ông Tuấn Anh cho biết.

Ông nói mình may là đủ điều kiện để chuyển viện, còn có trường hợp ở gần nhà mổ ruột thừa. Tuy nhiên, xảy ra biến chứng sau mổ gây sốt. Gia đình có xin chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện giữ lại, đến lúc bệnh nhân sốt cao không dứt có dấu hiệu nhiễm trùng nặng mới được cấp giấy cho đi. Và tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân này đã phải nằm điều trị lọc máu 3 tuần mới khỏi.

Những tình huống tương tự như thế này không hiếm. Chị Nguyễn Thị Yên (Yên Sơn, Tuyên Quang) chia sẻ: chị đang là bệnh nhân điều trị ngoại trú của bệnh viện Bạch Mai. Năm nào chị cũng đều phải quay trở lại bệnh viện tuyến dưới để xin giấy chuyển viện một lần để được tiếp tục điều trị. Trường hợp của chị là một bệnh nhân suy thận nặng nằm ngoài khả năng điều trị của tuyến dưới nên việc giới thiệu chuyển viện diễn ra khá thuận lợi.

Nhưng thực tế chị Yên cho biết nhiều trường hợp do quá lo lắng cho tình trạng bệnh của người nhà trong khi bệnh viện không cho phép chuyển tuyến nên đành phải tự ý chuyển. Điều này sẽ khiến bệnh nhân không được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo đúng quyền lợi nhưng họ vẫn đành phải đánh đổi.

Có thể nói, trong một số trường hợp giấy chuyển viện đã trở thành rào cản khiến người bệnh cảm thấy nhiêu khê, mệt mỏi và thậm chí là bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh. Chính vì vậy, khi được hỏi hầu hết người bệnh đều ủng hộ việc bỏ giấy chuyển viện.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, Bộ Y tế trong nhiều lần trả lời cử tri và nhân dân vẫn giữ quan điểm, đó là: việc này cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trong trao đổi với phóng viên VOV2, bác sỹ Nguyễn Văn Phúc, một chuyên gia phân tích chính sách y tế, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Xanh – Pôn Hà Nội, cũng có chung quan điểm là chưa thể bỏ giấy chuyển viện, mặc dù ông cũng hết sức chia sẻ với những khó khăn của người bệnh.

Ông phân tích: trên thế giới quốc gia nào cũng sử dụng giấy chuyển viện, đó là công cụ tốt nhất để kiểm soát nguồn lực y tế, nếu không có nó hệ thống y tế sẽ rơi vào hỗn loạn, cái giá phải trả với người bệnh sẽ cực kỳ đắt.

Nếu bỏ giấy chuyển viện, bệnh nhân viêm họng virus cũng chạy đến bệnh viện Trung ương khám, ngay cả những người ở tỉnh xa phải đi cả ngày đường.

Các bệnh viện tuyến dưới bác sĩ chỉ ngồi chơi. Ngược lại, bệnh viện lớn với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ và trang thiết bị máy móc hiện đại chỉ để phục vụ những bệnh nhân chẳng cần điều trị cũng khỏi, các kỹ thuật chuyên sâu sẽ không được đầu tư đúng tầm, khi ấy trình độ giáo sư, tiến sĩ cũng chỉ làng nhàng như bác sĩ tuyến huyện.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phúc lấy ví dụ như ở một số nước phương tây, họ kiểm soát rất nghiêm ngặt giấy chuyển viện. Ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, các bệnh nhân đều phải khám ở cơ sở y tế ban đầu, bác sĩ đa khoa ở đây sẽ chẩn đoán trước tiên, chỉ những bệnh thực sự phải đến bệnh viện thì bác sĩ mới viết giấy chuyển tuyến, và căn cứ mức độ nghiêm trọng của bệnh để quyết định chuyển tới đâu.

“Còn ở Việt Nam thì ngược lại, nhiều người xuất hiện triệu chứng nhẹ, họ chấp nhận bỏ một khoản tiền đến bệnh viện Trung ương đăng ký dịch vụ khám để không phải chờ đợi”, bác sỹ Nguyễn Văn Phúc nói.

Nếu chúng ta bỏ giấy chuyển viện trong bối cảnh hiện nay, người bệnh nhẹ cũng sẽ lên điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính không cần thiết, không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.

Vị bác sỹ này nhấn mạnh: hiện nay, bệnh viện tuyến trung ương ùn tắc khủng khiếp hơn nhiều so với đường phố Hà Nội và TP.HCM giờ cao điểm, cảnh nóng bức chen chúc nộp tiền, chỗ nào cũng chửi bới mắng mỏ nhau. Ở những bệnh viện này, bất cứ ai cũng sốc trước tốc độ khám của bác sĩ, tốc độ lấy máu của điều dưỡng, những con số bệnh nhân thực sự nhảy múa liên tục. Người bệnh vội vàng lao tới và vội vàng rời đi.

Vì vậy, theo bác sỹ Nguyễn Văn Phúc, vấn đề không nên nhìn ở tờ giấy chuyển viện mà là cải cách bảo hiểm y tế, và một việc khó hơn là thay đổi tư duy về khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai giấy chuyển viện điện tử. Đây được xem như là một bước đơn giản thủ tục hành chính và dung hòa được những lợi ích về quản lý y tế và nhu cầu khám điều trị của người bệnh hiện nay.

Xin mời nghe bài viết tại đây: