Ở Việt Nam, chưa có thống kê nào về hội chứng rung lắc ở trẻ nhưng một số vụ điển hình xảy ra cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh này. Mới đây nhất là vụ một em bé 4 tháng tuổi ở tỉnh Khánh Hòa bị xuất huyết não nghi do rung lắc mạnh.

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Hiếu – Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, BV đa khoa Xanh- Pôn, hội chứng rung lắc ở trẻ là một loại chấn thương não thường xảy ra khi trẻ nhỏ bị người lớn rung lắc quá mạnh. Những chấn thương do hội chứng rung lắc cũng tương tự như chấn thương sọ não ở người lớn do tai nạn giao thông, có thể gây tử vong ngay lập tức hoặc gây tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến những hậu quả nặng nề cho trẻ.

Biểu hiện của tổn thương não do hội chứng rung lắc ở trẻ xuất hiện rất sớm, ngay sau khi bị rung lắc từ vài giây đến trong vòng 4 giờ. Trẻ có thể xuất hiện triệu chứng như: nôn, da xanh, bú kém, bỏ bú, vật vã, hôn mê, co giật, yếu, liệt cơ, liệt chi, thóp phồng, xuất huyết võng mạc, ngừng thở, ngừng tim. Ở mức độ nhẹ hơn thì những rối loạn hành vi và sức khỏe sẽ xuất hiện muộn hơn gồm triệu chứng: chậm phát triển trí tuệ, bại não, co cứng, co giật, mù lòa” – Ths.BS Nguyễn Trung Hiếu cho biết.

Vì sao hội chứng rung lắc lại gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ?

Ths.BS Nguyễn Trung Hiếu giải thích nguyên nhân hội chứng rung lắc gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ bằng hình ảnh so sánh một đứa trẻ bị người lớn rung lắc với dao động của con lắc vật lý: “Khi quan sát con lắc vật lý dao động, chúng ta sẽ thấy phần sợi dây gần trục cố định dao động với biên độ nhỏ và cường độ nhẹ, còn phân viên bi sẽ dao động với biên độ rộng và cường độ mạnh hơn nhiều do lực quán tính lớn. Khi chúng ta bế đứa trẻ và rung lắc, hai tay giống như một trục cố định, phần thân cơ thể trẻ sẽ dao động ít, phần đầu sẽ dao động với biên độ rộng và cường độ mạnh.

Đặc điểm cơ thể trẻ nhỏ có khối lượng đầu chiếm tỷ trọng lớn khoảng ¼ trọng lượng cơ thể, các cơ ở cổ còn yếu không giữ được sức nặng của đầu; não bộ trẻ chưa phát triển hoàn toàn, nằm trong hộp sọ, có một khoảng trống với xương sọ. Khi trẻ bị rung lắc, quay tròn, phần đầu của trẻ dao động mạnh, não bộ bên trong hộp sọ sẽ di chuyển theo quán tính và va đập vào xương sọ gây ra các tổn thương não”.

Các tổn thương có thể gây tăng áp lực nội sọ, chèn ép trung khu hô hấp, tim mạch khiến trẻ ngừng thở, ngừng tim.

Những trẻ như thế nào dễ bị hội chứng rung lắc?

Theo Tổ chức CDC Hoa Kỳ, những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và dưới 4 tháng tuổi có nguy cơ cao nhất. Cá biệt có những trẻ lớn hơn từ 3-8 tuổi. Những trẻ này thường bị tổn thương do bạo hành, mặc dù không bị tấn công trực tiếp vào vùng đầu nhưng nếu trẻ bị người lớn tát quá mạnh cũng tạo lực ảnh hưởng đến não.

Đối với trẻ nhỏ, hội chứng rung lắc thường xảy ra ở những trẻ khóc quá nhiều, không dỗ được hoặc sống trong gia đình mà bố mẹ hay bạo hành.

Ở Việt Nam, hội chứng rung lắc ở trẻ thường xảy ra do thói quen vô ý của người lớn như cho trẻ nằm võng, đung đưa quá mạnh khi ru trẻ ngủ hoặc dỗ trẻ nín, hành động nhấc bổng trẻ lên một cách đột ngột, chơi trò lái máy bay…

Một số phương pháp sơ cứu cho trẻ

Ths.BS Nguyễn Trung Hiếu khuyến cáo, đề phòng bệnh trở nặng nhanh, khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu của hội chứng rung lắc như nôn nhiều, da xanh, bú kém, bỏ bú, li bì hôn mê, co giật… thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Trước đó, cha mẹ có thể sơ cứu cho trẻ bằng cách: Nếu con tím tái, ngừng thở thì tiến hành ép tim, thổi ngạt cho con. Nếu con co giật, cha mẹ nên cho con nằm nghiêng ở nơi thoáng khí, không chùm chăn mền, dùng vật mềm đè lưỡi khi trẻ lên cơn co giật và cắn chặt hàm với nhau, không nên hốt hoảng bế con chạy khi bé đang lên cơn co giật.