Hơn 2 năm bị ho kéo dài nhưng phải cho đến khi sức khỏe suy kiệt, ông Vũ Xuân Huy, ở Nam Định mới đến cơ sở y tế và biết mình bị bệnh lao.

Bà Nguyễn Thị Cảnh ở Thái Nguyên cũng vậy. Với suy nghĩ lao là bệnh của những ngày còn đói kém, nên nửa tháng trở lại đây khi sức khỏe yếu, ho nhiều, bà nghĩ đến một căn bệnh còn đáng sợ hơn là ung thư phổi. Nhưng cuối cùng khi đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán bà Cảnh mắc bệnh lao ở giai đoạn nặng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Kim Cương, Trưởng Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp mắc lao nhưng không đến điều trị sớm tại các cơ sở y tế. “Có những những trường hợp bệnh nhân ở ngay Hà Nội hoặc những vùng lân cận, lần đầu đến khám đã tổn thương phổi rất nặng” - Bác sĩ Nguyễn Kim Cương thông tin.

Vì sao một bệnh truyền nhiễm đã được biết đến từ lâu như lao, một bệnh mà chúng ta đã xây dựng được mạng lưới phát hiện, chẩn đoán và điều trị từ trung ương đến địa phương, nhưng vẫn bỏ sót, không phát hiện sớm nhiều trường hợp mắc lao? Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Chủ nhiệm CT chống lao quốc gia, cùng với nguyên nhân do năng lực phát hiện bệnh của một số tuyến y tế còn chưa tốt thì tâm lý e ngại, sợ bị cộng đồng kỳ thị, sợ bị mất việc làm khi mắc lao cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân có tâm lý muốn dấu, không để những người xung quanh biết mình mắc bệnh lao.

Nhưng lao là một bệnh truyền nhiễm, việc người bệnh không đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị sớm không chỉ gây nguy hiểm cho chính mình mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, nếu so với COVID-19 cho biết, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều. “Vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi”. Với cơ chế lây nhiễm này, mỗi năm nước ta có hàng trăm nghìn bệnh nhân lao được đưa vào điều trị.

Phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Để chủ động phát hiện được nhiều ca mắc lao, Chương trình chống lao quốc gia hiện đang triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) tại 18 huyện thuộc 7 tỉnh/thành. Chỉ trong vòng 10 tháng triển khai đã phát hiện 1.761 ca lao có bằng chứng vi khuẩn, và 3.102 ca lao tiềm ẩn. Đây được đánh giá là một trong những giải pháp rất khả quan để phát hiện sớm ca bệnh và chặn đứng nguồn lây của bệnh lao.

Tuy nhiên để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 thì không chỉ ngành y tế mà bản thân mỗi người dân trong cộng đồng cũng cần hiểu đúng về bệnh lao và chung tay phòng chống.