Chỉ tính trong năm nay, đã có rất nhiều trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ được báo cáo. Đa số đều là các tai biến sau gây mê, gây tê để chuẩn bị thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ như hút mỡ, nâng mũi, nâng ngực…

-Đầu tháng 12, nam thanh niên 35 tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc tê phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.

-Cuối tháng 11, một cô gái 25 tuổi tím tái, ngưng tim, ngưng thở sau hút mỡ vùng cánh tay.

-Người phụ nữ 61 tuổi tử vong khi cấy mỡ ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn.

-Trước đó, một cô gái 24 tuổi ngụ quận 10 không qua khỏi sau khi ủ tê thẩm mỹ vùng lưng và một học viên thẩm mỹ 31 tuổi, ngụ quận 8, tử vong sau khi được nâng mũi, hút mỡ bụng.

Vì sao gây tê, gây mê lại dễ dẫn đến tử vong?

Trả lời PV VOV2, PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam cho biết, bản chất của gây mê, gây tê là dùng thuốc hoặc một số kỹ thuật để làm mất cái cảm giác một bộ phận, tức là gây tê hoặc là toàn thân, tức là gây mê. Sau đó người bệnh phải được hồi phục trở lại trạng thái bình thường như trước khi gây mê, gây tê.

Khi tiến hành gây mê, gây tê sẽ tác động đến nhiều chức năng của cơ thể như: chức năng thần kinh, vấn đề đau, làm giãn cơ và các chức năng sống như tim, phổi, tuần hoàn....Chính vì vậy, khi xảy ra biến chứng trong gây mê, gây tê thì gần như toàn bộ những hệ thống này sẽ bị ảnh hưởng.

Những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn gây mê, gây tê gồm:

- Bác sĩ gây mê thiếu kinh nghiệm.
- Điều dưỡng hậu phẫu không theo dõi sát sao bệnh nhân.
- Thiếu phương tiện theo dõi trong và sau gây mê.
- Thiếu thuốc men để điều trị.

PGS.TS Công Quyết Thắng cho biết, gây mê hồi sức là một chuyên ngành sâu, đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo bài bản, có kỹ năng và kinh nghiệm xử trí các tình huống khẩn cấp xảy ra. Bời bác sỹ gây mê, gây tê không chỉ đơn thuần có nhiệm vụ làm cho người bệnh tạm thời mất cảm giác hay mất ý thức trong một khoảng thời gian nhân định mà họ phải là người nhận biết và xử trí được mọi tình huống trong quá trình gây mê, gây tê diễn ra. Có như vậy mới đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

Nếu không được đào tạo bài bản, người bác sỹ sẽ không thể nhận biết và xứ trí những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình gây mê, gây tê như: người bệnh ngừng tuần hoàn, đường thở khó, sốc phản vệ hay huyết áp tụt đột ngột....Và đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra trong thực tế.

"Đào tạo bác sĩ gây mê hồi sức hiện nay các nước trên thế giới người ta đều đào tạo liên tục ngay sau khi tốt nghiệp trường Y tối thiểu là 3 năm, còn ở các nước phát triển là đào tạo liên tục tối thiểu 5 năm. Thế nhưng Việt Nam hiện nay chúng ta chưa có hệ thống đào tạo chuyên sâu này. Chúng ta cũng có hệ thống đào tạo nội trú 3 năm nhưng số lượng bác sĩ hệ thống nội trú 3 năm này so với tổng số các bác sĩ gây mê hồi sức trong cả nước là rất ít. Hầu hết các bác sỹ hiện nay mới vào nghề chỉ được đào tạo 1 năm thôi thì chưa thể có trình độ đầy đủ." PGS. TS Công Quyết Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, PGS.TS Công Quyết Thắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ điều dưỡng gây mê, bởi đây là một thành tố tham gia trực tiếp vào quá trình gây mê, gây tê. Họ là người trực tiếp lắp các thiết bị theo dõi chỉ số sinh tồn cho người bệnh, chuẩn bị thuốc gây mê, gây tê, theo dõi tình trạng bệnh nhân trong suốt quá trình gây mê, gây tê và giúp bệnh nhân hồi phục...Đây là những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng chuyên biệt chứ không chỉ là công tác chăm sóc bệnh nhân thông thường. Chính vì vậy, cần có hệ thống đào tạo riêng cho các điều dưỡng gây mê, chứ không nên đào tạo chung ngành điều dưỡng như hiện nay.

Theo PGS.TS Công Quyết Thắng, ngộ độc thuốc tê, thuốc mê là biến chứng thường gặp nhất tại các cơ sở thẩm mỹ viện. Nguyên nhân là do các cơ sở này lạm dụng quá liều các loại thuốc gây mê, gây tê để phục vụ cho quá trình làm đẹp. Và khi xảy ra tình trạng ngộ độc thuốc ở bệnh nhân, nhân viên tại các cơ sở này cũng không có khả năng nhận biết và xử trí.

"Hiện đa số các tai biến về gây mê, gây tê xảy ra nhiều ở các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí là các thẩm mỹ viện là do những nơi này chưa được tổ chức hoạt động một cách bài bản, chưa có bác sỹ chuyên về gây mê và cũng chưa có trang thiết bị, thuốc men đầy đủ. Những cơ sở này hoạt động vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và tính mạng của khách hàng." PGS.TS Công Quyết Thắng cho biết

Vì sao những cơ sở không đảm bảo an toàn vẫn hoạt động tràn lan?

Theo PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, một phần là do hành lang pháp lý quản lý những cơ sở này chưa đủ chặt chẽ, các biện pháp xử phạt chưa đủ răn đe. Nhiều nơi vẫn ngang nhiên hoạt động. Và khi xảy ra tai biến, biến chứng chết người, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã bỏ trốn không còn vết tích. Chính vì vậy, rất cần một hành lang pháp lý chặt chẽ, quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện được thực hiện gây mê, gây tê tại các cơ sở y tế.

Để hạn chế các tai biên, biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, PGS.TS Công Quyết Thắng khuyến cáo, người dân nên cân nhắc kỹ trước khi có ý định làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ. Cần tìm hiểu về giấy phép hoạt động, danh mục kỹ thuật và cơ sở vật chất của những cơ sở này. Đừng đánh đổi sức khỏe và tính mạng của bản thân chỉ vì mong muốn mình đẹp hơn.