Theo đánh giá của các Tổ chức quốc tế, mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam mới chỉ đạt ở mức 2/5. Những thách thức về an ninh nguồn nước vẫn đang hiện hữu bởi nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bố không đều theo không gian, thời gian.
Cùng với đó, rừng đầu nguồn bị suy giảm, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... đang tác động mạnh mẽ tới nguồn nước. Bên hành làng kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: an ninh nguồn nước được cử tri rất quan tâm, bởi việc thiếu nước sinh hoạt và xâm ngập mặn đang diễn ra trầm trọng ở một số tỉnh Nam Bộ. “Có thể nói chưa có giai đoạn nào mà đồng bằng sông Cửu Long phải chịu một thiệt hại lớn như vậy. Hiện còn hơn 50.000 hộ gia đình ở khu vực này đang thiếu nước sạch và phải sử dụng các giải pháp khác nhau để đảm bảo có nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang thiếu nước ngọt sử dụng.”.
Thống kê cho thấy, nhu cầu nước tăng nhanh chóng, bình quân trong vòng 50 năm qua đã tăng gấp 3 lần và dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành lên tới gần 122 tỷ m3/năm; ô nhiễm nguồn nước gia tăng, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước...
Tại phiên chất vấn sáng hôm nay, nhiều đại biểu cũng đề cập tới việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam. Vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết nước ta là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Điều này đã tác động đến nguồn nước, trong khi chúng ta chỉ có 40% nguồn nước nội sinh.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước thì phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh và để làm được điều này Chính phủ đã chỉ đạo giải pháp tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng, dự án 1 tỷ cây xanh. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức sử dụng hiệu quả nguồn nước, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước.
Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng Bộ Tài Nguyên Môi trường cần phối hợp với các bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải để làm sao đảm bảo được an ninh nguồn nước, trong đó nước phải là nước sạch, không bị ô nhiễm. Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Đảm bảo đủ nước ngọt cho đời sống sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho bà con thì việc bảo vệ vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng. Trong đó quan trọng nhất là ý thức, nhận thức của người dân. Hạn chế mức thấp nhất việc xả thải độc hại ra môi trường ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nguồn nước, môi trường... Bên cạnh đó việc kiểm tra thanh tra của các cơ quan chức năng cũng rất cần thiết”.
Để đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm thì vấn đề xử lý nước thải vô cùng quan trọng, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thế: nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng và sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành…
Trên thực tế, chúng ta đã nhận diện vấn đề an ninh nguồn nước từ sớm, tuy nhiên những thách thức đang ngày càng gay gắt hơn. Vì thế, phiên chất vấn cũng là một cơ hội làm cho vấn đề an ninh nguồn nước được lan tỏa trong toàn xã hội, là "việc không của riêng ai".
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định về vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước, Chính Phủ và Quốc hội rất quan tâm “Luật tài nguyên nước sửa đổi được Quốc hội thông qua có đầy đủ các quy định yêu cầu chúng ta đảm bảo lâu dài. Về công tác quy hoạch, hiện nay Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch điều tra đánh giá tài nguyên nước quốc gia và 8 quy hoạch các lưu vực sông. Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu để tiếp tục phê duyệt tiếp 5 quy hoạch các lưu vực sông. Có nghĩa rằng từ luật, nghị định, thông tư gắn vào quy hoạch và chúng ta có tổ chức lưu vực sông để điều hành quản lý liên tỉnh, đảm bảo trách nhiệm của các địa phương và phối hợp với nhau để sử dụng cho tốt”.
Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề lớn của quốc gia, nhất là với một quốc gia có 60% lượng nước phụ thuộc vào nước ngoài. Do đó, Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo cơ chế, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là việc phục hồi các dòng sông, nguồn nước đang bị ô nhiễm, suy thoái, góp phần nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo hiệu quả trên thế giới là vấn đề cấp bách hiện nay./.