Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận định: nước ta đang đối mặt với thực trạng báo động về gánh nặng kép dinh dưỡng.

Thừa và thiếu dinh dưỡng đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Những trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong tương lai nhóm trẻ này dễ mắc các bệnh lý mạn tính nguy hiểm như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường…Trẻ nhẹ cân, thấp còi có thể giảm khả năng học tập và lao động khi bước vào tuổi trưởng thành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu là do bà mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức và thời gian để chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ”. BS Trịnh Hồng Sơn cho biết.

Phát triển chiều cao, cân nặng là kết quả của một quá trình chăm sóc lâu dài, phải bắt đầu từ khi bà mẹ mới mang thai. Đặc biệt, 1.000 ngày đầu đời được coi là “cơ hội vàng” để giúp trẻ đạt chiều cao tối ưu. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều bà mẹ chưa chú trọng chăm sóc trẻ trong giai đoạn này.

Nếu bỏ qua giai đoạn 1000 ngày đầu đời thì dù sau này có nỗ lực bù đắp dinh dưỡng bao nhiêu cũng không phát huy hết tiềm năng chiều cao của trẻ”-BS Sơn nhấn mạnh.

Để trẻ phát triển hài hòa, giảm bớt gánh nặng kép về dinh dưỡng, việc đầu tiên các gia đình cần làm là quan tâm thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ, được sống trong môi trường sạch sẽ, vệ sinh để phòng ngừa bệnh tật. Cha mẹ cũng nên chú ý bố trí giờ giấc sinh hoạt hợp lý và khuyến khích trẻ hoạt động thể lực. Một chế độ chăm sóc toàn diện mới có thể mang lại sức khỏe tốt cho trẻ, trong đó có việc phát triển chiều cao.