Bên lề hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét diễn ra tại KS Melia Hà nội, trưa 11/5 đã diễn ra sự kiện nhằm thúc đẩy Chiến dịch K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) trong việc chấm dứt đại dịch AIDS.

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; TS. Cedric Pulliam - Giám đốc Chính sách Công toàn cầu, Chiến dịch Dự phòng toàn cầu; Bà Loyce Pace, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ; bà Kate Thomson – Trưởng phòng Giới và quyền của cộng đồng – QTC cùng các đại biểu tham dự Hội nghị của Quỹ toàn cầu.

Tại sự kiện, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kết quả kinh nghiệm của Việt Nam, cũng như những thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.

PGS. TS Phan Thu Hương - Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, VN đã có 32 năm ứng phó với HIV/AIDS. Nếu như những năm 2000 đến 2015, mỗi năm VN có khoảng 11 nghìn trường hợp tử vong do AIDS thì hiện nay, sau khi Bộ Y tế phát động chiến dịch K = K (từ tháng 9/2019) tại 63 tỉnh, thành phố, do làm tốt công tác truyền thông tư vấn, do có mạng lưới điều trị rộng khắp cả nước, người nhiễm HIV ở nước ta dễ dàng tiếp cận và duy trì điều trị nên mỗi năm hiện chỉ còn khoảng 2 nghìn ca tử vong do AIDS. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có chất lượng điều trị HIV tốt nhất.

Tại sự kiện, anh Nguyễn Anh Phong – đại diện ban điều hành những người sống với HIV tại VN cho biết, K=K có giá trị rất lớn với người nhiễm HIV. "Thông điệp K=K giúp chúng tôi thấy được cần phải có động lực uống thuốc đều đặn để đạt được mức tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục. Khi đạt được tải lượng virus thấp ngoài tốt cho sức khỏe của chúng tôi, còn có ý nghĩa không làm lây truyền HIV cho người khác" - anh Phong chia sẻ.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: K=K là một thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học nên cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu được lợi ích của việc điều trị ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Thứ trưởng cũng đề nghị: Bộ Y tế mong muốn các tổ chức quốc tế của các nước tiếp tục cùng đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng chống HIV/AIDS, để phát huy các kết quả đã đạt được và đồng thời tháo gỡ những khó khăn đã và đang gặp phải, hướng tới mục tiêu Việt Nam kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, đặc biệt đảm bảo tính bền vững để dịch HIV/AIDS không quay trở lại.