Tại lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao do Bệnh viện Phổi TW – CT chống lao quốc gia tổ chức vào sáng nay (24/3), Tiến sĩ, BS Đinh Văn Lượng - GĐ BV Phổi TW, Trưởng Ban điều hành chương trình chống lao quốc gia cho biết, sau khi triển khai Công điện số 25 ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính Phủ, công tác phòng chống lao đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước tới nay. Cụ thể, số bệnh nhân lao được phát hiện là 113 nghìn ca, tăng 7% so với năm 2023, tỷ lệ điều trị thành công đạt 89% - cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Mặc dù vậy, vấn đề kiểm soát bệnh lao hiện còn rất nhiều khó khăn. Theo ước tính, nước ta hiện có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới, 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và khoảng 11.000 người tử vong do lao hằng năm. VN vẫn nằm trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện chủ động mới đạt khoảng 60%.
Để thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao, trong bối cảnh nguồn lực tài chính - đặc biệt là nguồn lực từ ngân sách quốc tế đang có xu hướng giảm dần, Tiến sĩ, BS Đinh Văn Lượng cho rằng, năm 2025 này chúng ta cần cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao - đây cũng là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay.
"Năm nay kiểm soát lao phải gắn với cơ sở khám chữa bệnh, có nghĩa người bệnh khi đến các cơ sở y tế đều phải được khám sàng lọc lao. Muốn làm được như thế thì cần phải đào tạo để các thầy thuốc có chứng chỉ khám chẩn đoán lao. Đồng thời phải đưa khám sàng lọc lao vào nội dung khám sức khỏe hàng năm đối với cán bộ, viên chức các cơ quan Nhà nước, khu công nghiệp. Còn với những lao động tự do, không có BHYT thì các thầy thuốc ở cơ sở phải khám sàng lọc cho họ" - Tiến sĩ, BS Đinh Văn Lượng đề xuất.
Để thực hiện cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động chính sách, huy động xã hội nhằm xóa bỏ kỳ thị đối với người bệnh lao. Đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững từ ngân sách trung ương, địa phương và bảo hiểm y tế. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới trong chẩn đoán và điều trị lao.