Việt Nam là một trong 7 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72, loại vaccine hứa hẹn sẽ "triệt tiêu" bệnh lao toàn cầu.

Bệnh lao thường được điều trị bằng thuốc. Vaccine lao duy nhất được sử dụng ngày nay là bacille Calmette-Guérin (BCG), lần đầu được tiêm rộng rãi vào năm 1921. BCG giúp bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chống lại các dạng lao toàn thân nghiêm trọng. Tuy nhiên, vaccine này tác dụng hạn chế chống lại bệnh lao phổi ở thanh thiếu niên và người lớn.

Vì vậy, các nhà khoa học toàn cầu đã nghiên cứu loại vaccine mới M72. Trong thử nghiệm giai đoạn 2b (giai đoạn chứng minh tính khả thi và thực tiễn), M72 cho thấy hiệu quả khoảng 54% trong việc giảm lao phổi ở người lớn bị nhiễm lao tiềm ẩn.

Theo TS Lượng, việc thử nghiệm lâm sàng 3 của vaccine này sẽ được triển khai ở 7 quốc gia ở các châu lục khác nhau, riêng châu Á có Việt Nam và Indonesia. Thời gian dự kiến vào đầu năm 2024, tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, song chưa rõ số lượng người tham gia.

"Quá trình thử nghiệm đến lúc vaccine được vào sử dụng có thể kéo dài 4-7 năm", ông Lượng nói, thêm rằng khi được sử dụng rộng rãi, vaccine này hứa hẹn sẽ "triệt tiêu" bệnh lao toàn cầu.

Tại sự kiện Giới thiệu phiên bản nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao (Vitimes - hệ thống được Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam xây dựng và triển khai từ năm 2010), đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), cũng cho biết Vitimes đang được triển khai tại 63 tỉnh thành và hơn 900 cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện tại trên Vitimes chủ yếu là về lao nhạy cảm, thiếu các cấu phần về lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, quản lý người tiếp xúc cũng như thiếu sự kết nối, trao đổi dữ liệu với các hệ thống khác như hệ thống dữ liệu của bảo hiểm xã hội (BHXH), phần mềm quản lý bệnh viện (HIS),..

Do đó, hệ thống nâng cấp này sẽ giúp giám sát ca bệnh lao và lao tiềm ẩn, quản lý chương trình thông qua các công cụ nâng cao nhằm góp phần củng cố dịch vụ điều trị và dự phòng lao. Đây được kỳ vọng là công cụ hữu ích giúp Việt Nam đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.