Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh – Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị, với những bệnh nhân bị gãy xương có chỉ định mổ kết hợp xương, thông thường sẽ phải thực hiện hai lần phẫu thuật. Lần thứ nhất là mổ nắn chỉnh, cố định xương bằng đinh vít kim loại. Khi xương liền, bệnh nhân vận động tốt thì tiến hành cuộc mổ thứ hai để tháo dụng cụ ra, tránh kích ứng cũng như phản ứng của cơ thể với vật thể lạ. Tuy nhiên, sự ra đời của vít kim loại tự tiêu sinh học đã giúp nhiều trường hợp tránh được cuộc mổ thứ hai.

“Loại vít kim loại tự tiêu sinh học này được làm từ hợp kim của magie, có khả năng tự tiêu trong vòng từ 1 đến 2 năm và có thể chuyển hóa hoàn toàn thành mô nội sinh của cơ thể, không gây phản ứng đối với cơ thể. Điều này sẽ giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện, giảm thiểu chi phí điều trị và nguy cơ tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật” – BS Nguyễn Mạnh Linh nói.

Vít tự tiêu sinh học thường được chỉ định trong các trường hợp phẫu thuật gãy xương nhỏ, đầu xương quai trụ, xương cổ bàn chân, tay... những trường hợp xương chậm liền. Với vật liệu mới này, các bác sĩ có thêm lựa chọn điều trị tối ưu cho người bệnh. Tại Bệnh viện Hữu Nghị, việc sử dụng vít tự tiêu sinh học bắt đầu được triển khai từ năm ngoái, đến nay đã có hơn 100 bệnh nhân được sử dụng loại vít này. Kết quả ban đầu cho thấy loại vít này an toàn đối với người bệnh và mang lại hiệu quả cao trong điều trị gãy xương.

Hiện nay, vít tự tiêu sinh học đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong điều trị kết hợp xương, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau phẫu thuật gãy xương. Tại nước ta, nhiều bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cũng đã sử dụng vít tự tiêu sinh học trong phẫu thuật kết hợp xương. BS Nguyễn Mạnh Linh cho biết thêm, dù chi phí cho vít tự tiêu sinh học cao hơn so với việc sử dụng vật liệu kim loại truyền thống song vẫn được cơ quan bảo hiểm thanh toán nên bệnh nhân không phải lo lắng về việc phát sinh phí điều trị.