Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, một trong những điểm khác biệt của đợt dịch thứ 4 so với các đợt dịch trước là sự xuất hiện của biến chủng virus Sars-CoV-2 của Ấn Độ.

Biến chủng này lây lan nhanh và đã khiến cho một bệnh nhân nữ công nhân ở Bắc Giang tử vong. Hiện, tiểu ban điều trị của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang cùng các y bác sĩ của tỉnh đã họp rút kinh nghiệm. Đồng thời, để tăng cường năng lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng ở các cơ sở y tế, Bộ Y tế đang xây dựng phần mềm nhận diện các dấu hiệu trở nặng của bệnh nhân Covid-19.

Phần mềm này được xây dựng theo tiêu chí của Nhật và kinh nghiệm của các nước đã trải qua khủng hoảng bởi dịch Covid-19. Phần mềm có 5-10 tiêu chí giúp các bác sĩ ở tuyến cơ sở nhận biết được sớm dấu hiệu bệnh nhân trở nặng để kịp thời có biện pháp can thiệp. Ví dụ phần mềm báo hiệu nhịp thở của bệnh nhân tăng lên 22 lần là các bác sĩ phải có biện pháp kiểm soát ngay, chuẩn bị sẵn máy thở và các phương tiện cấp cứu khác hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục Trưởng Cục QL KCB Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay Bộ Y tế cùng Tập đoàn Vingroup chuẩn bị đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo vào các bệnh viện sàng lọc các trường hợp bệnh nhân từ F1 chuyển sang F0. Nếu sàng lọc sớm, nhanh thì nó sẽ là công cụ hữu hiệu cho phát hiện sớm các trường hợp F0. Các phác đồ điều trị sẽ được các bác sĩ cập nhật nhanh qua chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa telehealth.

Hiện có khoảng 80% bệnh nhân ít có triệu chứng, có thể họ có ít biến đổi như sốt không cao, mệt không nhiều, các triệu chứng viêm phổi chưa biểu hiện; 20% bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở chuyển sang cấp cứu, trong đó 10% bệnh nhân diễn biến chuyển thành nặng. Vì vậy, việc áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo và tiêu chí nhận biết dấu hiệu bệnh nhân nặng có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện sớm, có giải pháp đưa họ vào điều trị ở khu điều trị đảm bảo cách ly an toàn và theo dõi sát.

Hiện nay, Bắc Giang là tỉnh có số người nhiễm Covid-19 cao nhất ở nước ta. Số ca mắc chủ yếu là công nhân tại khu công nghiệp Quang Châu, trong đó Công ty TNHH Hosiden Việt Nam vẫn chiếm nhiều nhất. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Giang đã bố trí 11 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân dương tính với công suất 2.510 giường; triển khai đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng, 16 máy theo dõi chức năng sống; 6 máy thở tần suất cao…

Tuy nhiên, theo ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, hiện tỉnh đã có một số bệnh nhân diễn biến nặng, số máy móc trên chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, hiện vẫn còn thiếu một số máy thở, máy lọc máu, máy xét nghiệm đông máu, xét nghiệm sinh hóa và vật tư thuốc. Do đó, ông đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ thêm cho tỉnh. Việc Bộ Y tế tăng cường các biện pháp hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, trong đó có việc đầu tư thêm trang thiết bị y tế sẽ giúp tỉnh sớm kiểm soát được dịch bệnh.