Đây là lần thứ 2 hội thảo được tổ chức để đánh giá tiến độ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau thảo luận về hiệu quả chiến lược nhằm giải quyết sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Hội thảo do Văn phòng UNAIDS khu vực Châu Á Thái Bình Dương, phối hợp với mạng lưới người nhiễm Châu Á Thái Bình Dương và Nhóm Y tế - HIV của UNDP tổ chức, với sự tham gia của các đại biểu đến từ Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Lây nhiễm HIV trong giới trẻ - vấn đề chung của các quốc gia trong khu vực
Trong hơn 10 năm qua (từ 2010-2022) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tốc độ và số lượng nhiễm HIV đều giảm, nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Với tỷ lệ giảm 14% số người nhiễm mới, Việt Nam và New Ziland là 2 quốc gia được đánh giá có tốc độ giảm lây nhiễm HIV tốt nhất. Tuy nhiên, Việt nam cũng như các nước trong khu vực đều đang đối mặt với tình trạng gia tăng HIV trong giới trẻ, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Bác sĩ Ye Yu Shwe - Cố vấn Thông tin chiến lược Văn phòng khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (UNAIDS) cho biết, tính đến năm 2022 khu vực Châu Á Thái Bình Dương có 6,5 triệu người nhiễm HIV, chiếm tỷ lệ 16% dân số toàn cầu. 76% trong số này là nhóm người trẻ, tỷ lệ thanh niên từ 14-24 tuổi chiếm 1 nửa số người nhiễm mới. Đặc biệt, 43% ca nhiễm HIV mới xảy ra trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
“Mỗi ngày có khoảng 300 nam giới MSM nhiễm HIV; 15 người chuyển giới nhiễm HIV; 50 người hoạt động mại dâm và 80 người sử dụng ma túy nhiễm HIV. Số liệu cho thấy, trong khu vực người trẻ tuổi bị ảnh hưởng lớn bới căn bệnh này”, bác sĩ Ye Yu Shwe nói.
Theo số liệu được cung cấp tại hội thảo, hiện có khoảng 20% người nhiễm HIV ở các quốc gia trong khu vực chưa được tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, số người được điều trị còn thấp. Có khoảng 16% người dân ở khu vực Đông Nam Á được chẩn đoán nhiễm nhưng chưa được điều trị - “đây là tỷ lệ cao trên thế giới, chỉ sau khu vực Châu phi”- ông Eamonn Murphy giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV được xác định là rào cản quan trọng để người nhiễm tiếp cận với các dịch vụ HIV, bao gồm các dịch vụ xét nghiệm, phòng ngừa, điều trị và chăm sóc cho những người có HIV. Việc xóa bỏ tất cả các hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV là nền tảng để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, bao gồm cả việc chấm dứt bệnh AIDS.
“Nhưng làm sao để giải quyết được vấn đề này, làm sao để đảm bảo họ không bị phân biệt đối xử? Đây là vấn đề các quốc gia cần hỗ trợ nhau, làm thế nào để các mô hình thành công có thể được nhân rộng ra khu vực” - ông Eamonn Murphy nói.
Để kỳ thị phân biệt đối xử trở thành vấn đề quá khứ
Nguyễn Anh Phong - thành viên ban điều hành mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP +) chia sẻ tại hội thảo, trong quá trình tư vấn, hỗ trợ những người có HIV vẫn có những trường hợp bị gia đình xa lánh, bị công ty cho thôi việc vì biết nhiễm HIV, “điều đó cho thấy kỳ thị và phân biệt đối xử hiện nay, tuy có giảm hơn trước nhưng vẫn tồn tại”.
Đại diện các nước Campuchia, Thái Lan, Philippines cũng chia sẻ những câu chuyện liên quan đến vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử tại nước mình.
Để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, đại biểu các nước tham dự hội thảo đều cho rằng, cần phải có sự thay đổi từ nhận thức của cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông.
Theo Bà Kathryn Johnson – Cố vấn về chính sách của UNDP khu vực Đông Nam Á, định kiến xã hội với những chuẩn mực đạo đức truyền thống đã khiến những người sống chung với HIV, và những người có nguy cơ cao gồm người chuyển giới bị kỳ thị, xa lánh.
“Cần phải thay đổi tình trạng này. Cần có môi trường và chính sách pháp lý thuận lợi, cùng nhiều hoạt động khác để giải quyết sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan” - Bà Kathryn Johnson nhấn mạnh.
Bà Kathryn Johnson cho rằng, nhiệm vụ này chỉ có thể thành công khi có sự tham gia và đồng thuận của các quốc gia, trong đó, với vai trò là cơ quan truyền thông, báo chí cần có nhiều bài viết hơn nữa về vận động chính sách pháp luật để loại bỏ định kiến, thông tin sai lệch, không còn chỗ cho sự phân biệt kỳ thị.
Để kỳ thị phân biệt đối xử trở thành vấn đề quá khứ, ông Eamonn Murphy giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh, các quốc gia cần tập trung giải quyết các vấn đề về phân biệt đối xử trong môi trường y tế, cộng đồng và luật pháp. Ông mong muốn báo chí truyền thông và những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đưa tin về các vấn đề liên quan đến HIV một cách không kỳ thị phân biệt đối xử. Bên cạnh đó các quốc gia cần đẩy mạnh truyền thông về đến HIV đến giới trẻ, để làm giảm tốc độ lây nhiễm. Có như vậy chúng ta mới đạt được tầm nhìn: không còn phân biệt đối xử, không còn người tử vong do AIDS và không còn người nhiễm mới HIV./.
Nghe bài viết tại đây: