Cô ý bị đau ruột thừa cách đây 1 tuần, lúc đầu đau âm ỉ thì cứ để kệ đấy nhưng sau đau quá thì cấp cứu xuống đây. Bác sĩ khám cho uống thuốc rồi phẫu thuật” – Trong tâm trạng lo lắng, anh Lý A Di ở bản Huổi Khương, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ cho biết. Vợ anh là chị Sùng Thị La bị viêm ruột thừa. Vượt con đường đèo núi gập gềnh hàng chục cây số, anh Lý A Di đã chở vợ đi cấp cứu trong tình trạng bị những cơn đau dữ dội.

Thời gian chờ đợi ngoài phòng cấp cứu chỉ khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ nhưng anh Lý A Di đứng ngồi không yên cho đến khi cửa phòng mở ra, các bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công. “Bác sĩ mổ xong thấy mặt vợ thì vui rồi, không còn lo lắng nữa rồi” – Anh Lý A Di vui mừng chia sẻ.

Đây là một trong số nhiều ca cấp cứu của các bác sĩ ở TTYT huyện Nậm Pồ trong thời gian vừa lo chống dịch vừa làm tròn nhiệm vụ chuyên môn.

Một huyện vùng cao được đánh giá là khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở vật chất lẫn trình độ năng lực về y tế còn hạn chế nhưng hiện nay đã có thể thực hiện được nhiều ca cấp cứu như phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa cấp, áp dụng kỹ thuật ghép xương điều trị chấn thương do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông… Không những vậy, hiện tất cả đội ngũ y bác sĩ từ TTYT huyện đến 15 trạm y tế xã gồm hơn 200 người đều làm thành thục từ khâu tiêm vaccine, khám sàng lọc F0, xét nghiệm lấy mẫu virus SARS-CoV-2… Kết quả này có được đều từ sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành hồi tháng 5/2021 khi làn sóng dịch Covid-19 càn quét qua.

BS CKI Nguyễn Giang Binh – Giám đốc TTYT huyện Nậm Pồ cho biết: vì đã kinh nghiệm trải qua một lần chống dịch nên khi trung tâm thực hiện theo nghị quyết 128 của Chính phủ về bình thường mới thì đã thực hiện nhiều giải pháp như: Thành lập tổ y tế khám phân luồng ngay tại cổng bệnh viện, có khu khám chữa bệnh riêng cho những người có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, nghi ngờ mắc Covid-19.

Theo BS Nguyễn Giang Binh, hiện mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 70-80 bệnh nhân đến khám, trong đó có khoảng 10-15 người điều trị nội trú. Và, để phòng lây nhiễm chéo trong khu điều trị nội trú, trung tâm hạn chế tiếp nhận số bệnh nhân vào điều trị, chỉ đạo các phòng khám phát thuốc cho các bệnh nhân bị bệnh mạn tính như huyết áp, đái tháo đường khám và lấy thuốc 3 tháng/lần.

Mặc dù hiện nay, còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất song trung tâm đã mạnh dạn lên phương án điều trị F0 trong trường hợp dịch Covid-19 lại bùng phát lần nữa. Theo đó trung tâm xây dựng mô hình điều trị 3 tầng cho khoảng 250-300 bệnh nhân F0, trong đó có 20-30 bệnh nhân Covid-19 nặng. Việc bố trí bác sĩ điều trị cũng được trung tâm chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trong đợt dịch vừa qua, chúng tôi đã cử đoàn 6 bác sĩ vào miền nam chống dịch, hiện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và về tỉnh. Chúng tôi sử dụng ê kíp đó xây dựng kế hoạch điều trị phân tầng phù hợp cho địa phương. Trung tâm cử thêm 2 bác sĩ đi học chuyên về máy thở ở bệnh viện E. Khi họ về thì đã nâng cấp trình độ trong điều trị bệnh nặng” – BS Nguyễn Giang Binh chia sẻ.

BS Giàng A Chớ - một trong 6 bác sĩ được điều động vào TP. Hồ Chí Minh tham gia điều trị cho bệnh nhân F0 thời gian vừa qua cho biết, hiện anh cùng với nhóm bác sĩ đang xây dựng thêm phác đồ, dự trù máy móc cùng thuốc men để chuẩn bị sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân dương tính. Tất cả kiến thức đã vận dụng ở thành phồ Hồ Chí Minh đã được anh lưu lại áp dụng cho địa phương.

Khác với bác sĩ ở dưới xuôi, ở vùng cao, bác sĩ có thể có chuyên môn về nội khoa, nhi khoa hay SKSS… nhưng họ có thể làm cả các công việc khác ngoài chuyên môn như lấy xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine, chăm sóc hồi sức cấp cứu, tuyên truyền dự phòng các bệnh không lây… Công việc của họ có thể sẽ phải tăng gấp nhiều lần hơn nữa khi dịch chẳng may xảy ra, song tất cả các bác sĩ đều ở tâm thế sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.