Hạn chế, bất cập của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng
Qua báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch COVID-19.
Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid – 19 vừa qua cũng đã cho thấy những tồn tại, bất cập trong hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tổ chức, bộ máy của hệ thống này thay đổi nhiều qua các năm, nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm. Chính sách cho đội ngũ y bác sĩ không tương xứng với nhiệm vụ.
Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân; còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế. Vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương cho rằng, y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, khi bị bệnh lại chẳng ai mấy mặn mà lựa chọn tới y tế phường, xã để khám, chữa bệnh. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải của những bệnh viện tuyến trên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng có thể thấy, nguyên nhân mấu chốt là do chất lượng của hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự đảm bảo nên chưa tạo được niềm tin cho nhân dân.
Cùng với đó, công tác truyền thông nâng cao sức khỏe của người dân cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo số liệu báo cáo năm 2021, gần 1/4 (khoảng 22,2%) dân số Việt Nam thiếu vận động thể lực cần thiết. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã được nâng cao trên 73 tuổi. Tuy nhiên, số năm sống thực sự khỏe mạnh chỉ có 64 năm và trong 9 năm còn lại thì mắc những bênh không lây nhiễm như bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta có trên 73% số ca tử vong về bệnh không lây nhiễm và những bệnh này lại ngày càng trẻ hóa, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương nhận định.
Bên cạnh đó, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu hơn 8.000 người, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4.000 người. Mặt khác do phải kiêm nhiệm một lúc nhiều nhiệm vụ, nhiều cán bộ tuyến huyện vừa thực hiện công tác điều trị vừa thực hiện công tác dự phòng nên hiệu quả công việc chưa cao. Đó là chưa kể tới, thu nhập và chế độ đãi ngộ quá thấp, lại chịu nhiều áp lực nên cán bộ khó chuyên tâm công tác.
“Biên chế cho một đêm trực ở y tế xã chỉ có một người, nhưng thường những trường hợp vào cấp cứu lại rất phức tạp. Nhiều cán bộ nữ đi trực phải nhờ người trực cùng và chia nhau tiền trực. Tuy nhiên, tiền trực chỉ là 25 nghìn/ 1 đêm. Đây là một con số rất khiêm tốn. Nếu chúng ta không thay đổi, 10 - 15 năm nữa trạm y tế sẽ không có bác sĩ”, Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn Bến Tre nêu thực tế.
Đánh giá về nhiệm vụ phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay, các đại biểu đều nhận định rằng, đây là thách thức lớn đối với ngành y tế. Y tế cơ sở có 2 nhiệm vụ dự phòng như là tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền và điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Và cả hai nhiệm vụ đều đang gặp nhiều khó khăn.
Cần đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở, y tế dự phòng
Nhiệm vụ phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng được đánh giá là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Bình Định, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân. Máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng cũng chỉ gây nên sự lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất, nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ Trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ… Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện.
Từ kinh nghiệm thực tế của địa phương, giải pháp đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Bắc Giang đưa ra, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện các cơ chế tài chính, thì việc hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với từng vùng miền, khu vực và từng thời gian cụ thể là điều cần thiết.
Bắc Giang hiện nay là tỉnh duy nhất có Trung tâm y tế ở các khu công nghiệp. Đây là một mô hình mới, còn rất nhiều vướng mắc nhưng thực tế cho thấy từ khi thành lập đến nay, các Trung tâm y tế này được đánh giá là hoạt động có hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho công nhân.
Để công tác y tế cơ sở và dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn Hoà Bình cho rằng cần phải đầu tư nguồn lực vững ngay từ tuyến cơ sở ban đầu. Xây dựng được hệ thống y tế cơ sở tốt sẽ là điều kiện quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nói chung, và đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân nói riêng.
Ngoài ra tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm y tế nhất là những người trực tiếp tham gia ở tuyến đầu, những nơi ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn cũng là giải pháp căn cơ để có thêm nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
Hơn nữa, việc đẩy mạnh huy động các nguồn lực cùng chung tay phát triển hệ thống y tế cơ sở cũng là điều cần thiết. Bởi lẽ, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid – 19 vừa qua, việc huy động sức dân, huy động các nguồn lực đã tạo ra được sự đồng thuận cao, giúp cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được tốt hơn.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, để làm được điều này thì các cấp, các ngành phải đảm bảo được sự công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Có như vậy mới tạo được niềm tin cho người dân. Từ đó, hệ thống y tế cơ sở sẽ phát huy được hết vị trí và vai trò của mình trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.