Theo những thông tin được công bố, VFF và FPT Play chính thức hợp tác tổng thể và công bố thương quyền truyền hình các trận đấu có sự tham gia của ĐTQG, Olympic, U22 và U23 Quốc gia trong 4 năm, từ năm 2023 đến 2027. Truyền hình số K+ ký thoả thuận sở hữu độc quyền các giải đấu do AFC tổ chức từ mùa 2025/26 - 2028/29 tại Việt Nam. Thỏa thuận với AFC gồm 25 giải đấu, trong đó có vòng loại thứ ba World Cup 2026, Asian Cup 2027, Asian Cup nữ 2026, VCK U23 châu Á 2026, 2028 và 2 giải đấu hàng đầu cấp CLB là AFC Champions League và AFC Cup. Trong khi đó Tổng công ty Viễn thông Viettel là đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng, truyền thông các giải đấu cấp độ Đội tuyển Quốc gia thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) trong 6 năm liên tiếp 2023 – 2028. Khán giả Việt Nam sẽ được theo dõi trên truyền hình TV360 trận tranh Siêu cúp châu Âu – Nam Mỹ (giải Finalissima); 352 trận UEFA Nations League (gồm vòng bảng, tứ kết, chung kết); 498 trận vòng loại, Play-off UEFA EURO; 300 trận giao hữu quốc tế, 249 trận thuộc vòng loại World Cup khu vực châu Âu.

Cuộc chạy đua cạnh tranh bản quyền truyền hình thể thao tại Việt Nam đang ngày một nóng bỏng, đặc biệt với những diễn biến bóng đá của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, FPT Play là đơn vị đi đầu trong công tác bản quyền truyền hình với các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của AFC, tất cả trận đấu quốc tế có ĐTQG tham dự và thi đấu, được tổ chức trong lãnh thổ Việt Nam, mà thương quyền truyền hình thuộc sở hữu của VFF, cùng hai giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam là V.League 1, V.League 2 (hạng Nhất quốc gia) bên cạnh Cúp Quốc gia.

Tuy nhiên, đối thủ K+ xuất hiện để cạnh tranh trực tiếp và thành công với bản quyền các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của AFC từ năm 2025, nối tiếp sau khi FPT Play kết thúc hợp đồng với AFC. K+ thấy được sức hút của những giải đấu có sự góp mặt của các đội tuyển Việt Nam, cũng như ở cấp độ CLB với AFC Champions League rồi AFC Cup. Thành công của đội tuyển Việt Nam với vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vừa qua, rồi những tham vọng của các CLB như Hà Nội FC, CAHN, Viettel… tại đấu trường châu lục ngày một tăng cao là những cơ hội mà K+ không thể bỏ qua.

Những thành công của quãng năm 2022 ở cấp độ đội tuyển hay thành tích của Hà Nội FC cùng AFC Cup không dễ có thể lặp lại, tất cả đều cần quá trình bền bỉ trong nhiều năm của bóng đá Việt Nam. Một đội tuyển quốc gia luôn được xây dựng từ giải đấu chuyên nghiệp quốc nội. Cùng sự phát triển của thời đại 4.0, người hâm mộ muốn theo sát các cầu thủ của đội tuyển ngay từ cấp độ CLB. Họ muốn xem những gương mặt đại diện cho bóng đá quốc gia thể hiện như thế nào, liệu có xứng đáng hay không với chiếc áo đấu in cờ Tổ quốc.

FPT Play đưa ra tiếng “pháo hiệu” đầu tiên với bản quyền các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ năm 2023 - 2027 và tiếp đó là giai đoạn mới của các ĐTQG, được dẫn dắt bởi tân HLV Philippe Troussier. Khi mục tiêu tham dự World Cup 2026 cùng HLV người Pháp chính thức được công bố, chắc chắn các trận đấu của tuyển Việt Nam sẽ nhận được đông đảo sự chú ý hơn nữa. Lấy đó làm cơ sở, một bước đi dài hơi được đưa ra từ FPT Play, đi kèm tính nối tiếp của các giải đấu quốc nội ở cấp độ CLB.

Sau mùa giải 2023, V.League thi đấu theo hệ thống lịch thi đấu của FIFA, nhằm phục vụ lợi ích tối đa cho sự tập trung của các cấp độ đội tuyển trong dịp FIFA Days. Khi đó, một chu trình hàng trăm trận đấu từ cấp độ CLB đến đội tuyển quốc gia đều thuộc thương quyền của FPT Play. Một yếu tố nữa mà FPT Play nhận ra từ “Giấc mơ 2026” của bóng đá Việt Nam, đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm hợp tác tổng thể với VFF sở hữu thương quyền truyền hình các giải đấu có sự tham gia của Đội tuyển Quốc gia 2023 – 2027. Đó là triết lý làm việc của HLV Phillipe Troussier. Ông muốn nhào nặn nhiều cấp độ như ĐTQG, tuyển U23 - U22 Việt Nam, tuyển chọn những nhân tố tốt nhất cho một chiến dịch vươn mình ra thế giới của bóng đá nước nhà. Từ đó, sự quan tâm cho các cấp độ trẻ của đội tuyển quốc gia càng được tăng lên trong quãng 1-2 năm trở lại đây. Bên cạnh các trận đấu của ĐTQG, các trận đấu của các cấp lứa trẻ như U17, U20, U22 – Olympic cũng được người hâm mộ theo dõi sát sao.

Điều đó càng vun đắp cho cơ sở để đưa ra quyết định của FPT Play. Hiểu nôm na, họ lựa chọn cho mình một lộ trình bài bản và dài hơi trong cuộc chạy đua thương quyền bản quyền truyền hình. Bản quyền các trận/giải đấu từ cấp độ CLB, đến các lứa U rồi đội tuyển quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam đều đã nằm trong tay FPT Play, đánh dấu một thị phần lớn của đơn vị này trong thị trường bản quyền truyền hình bóng đá Quốc nội. Quyết định đều đã được K+ và FPT Play đưa ra gần như cùng một thời điểm, K+ chọn cho mình AFC để nối tiếp ngay sau FPT Play, còn FPT Play chọn cho mình một hướng đi khác. Họ có thêm một thị phần khác, để tăng độ phủ, tính liền mạch từ chính điểm mạnh V.League trước đó.