Kinh tế thể thao đình đốn vì COVID-19
Các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia từ nay đến cuối năm 2021 bị hủy, đánh dấu giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay của TTVN. Nếu như giai đoạn cuối 2020, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hàng loạt các giải đấu đã diễn ra dồn dập ở 3 tháng cuối năm, thì hiện tại, không còn sự kiện nào của TTVN được tổ chức, trong hoàn cảnh hầu hết các TP lớn trên cả nước vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội còn con số F0 mới mỗi ngày vẫn là trên 10 nghìn.
V.League 2021 tạm dừng từ tháng 5, khi chỉ còn 1 vòng đấu nữa là kết thúc giai đoạn 1 và cuối cùng phải hủy bỏ, dù BTC đã lên nhiều kế hoạch tái khởi tranh do chưa nhận được đồng thuận của các CLB hoặc do những thay đổi khó lường của dịch bệnh. Từ đó tới nay đã không còn một hoạt động thể thao nào diễn ra, kéo theo những thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp thể thao – đơn vị quản lý các CLB chuyên nghiệp nhiều môn.
Giải bóng đá chuyên nghiệp V.League bị hủy, tất nhiên các giải đấu hạng dưới như hạng Nhất, hạng Nhì cũng không thể tiếp diễn, trong đó giải hạng Nhất mới diễn ra 7 vòng đấu, còn giải hạng Nhì thì dừng ngay sau vòng khai mạc.
Các giải đấu bị hủy, đẩy hàng chục CLB vào tình thế khó khăn với gánh nặng từ hàng nghìn nhân sự liên quan, như các cầu thủ, nhân viên CLB hoặc BQL sân Hủy giải là phương án được lựa chọn, giúp các đội bóng phần nào giải quyết bài toán liên quan đến hợp đồng cầu thủ, nhất là cầu thủ nước ngoài, lương thưởng… nhưng quyền lợi của các nhà tài trợ cho giải đấu, cho CLB thì không được giải quyết sẽ ảnh hưởng tới các mùa bóng tiếp theo và thực tế, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng khi kết quả mùa giải không được công nhận và những chi phí cho việc tập luyện thi đấu cùng việc duy trì đội bóng thời gian trì hoãn nhiều tháng cũng trở thành con số 0.
Theo thông tin từ BTC giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), thiệt hại khi buộc phải hủy bỏ mùa giải 2021 cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trần Chu Sa – Giám đốc điều hành VBA cho biết, đó là kinh phí phải bỏ ra để di chuyển tất cả các đội bóng từ TP. HCM đi Khánh Hòa, hơn 70 ngày tập trung tại TP Nha Trang tập luyện thi đấu thử nghiệm, cho việc hoàn thiện Nhà thi đấu tại trường ĐH Nha Trang rồi cách ly, xét nghiệm COVID-19 cho hàng trăm nhân sự. Và kể cả khi giải đấu bị hủy, việc đưa hàng trăm người (trong đó có nhiều HLV, VĐV nước ngoài) rời Nha Trang cũng là bài toán không đơn giản với BTC.
Phương án nào để “sống chung với lũ” ?
Chỉ tính riêng 2 giải chuyên nghiệp quốc gia ở hai môn bóng đá và bóng rổ, thiệt hại đã là hàng trăm tỷ đồng. Ảnh hưởng rõ nhất là CLB bóng đá Than Quảng Ninh đã tuyên bố dừng hoạt động, trong khi nợ lương thưởng hàng chục tỷ đối với nhân viên đội bóng và các cầu thủ chưa biết đến bao giờ mới nhận được. Gần đây, các CLB Hải Phòng và SLNA đã bị nhắc nhở khi nợ thuế cũng hàng chục tỷ đồng, đứng trước nguy cơ không được tiếp tục thi đấu khi các giải chuyên nghiệp trở lại.
Khi các nhà khoa học đưa ra dự báo, có thể chúng ta sẽ phải mãi mãi sống chung cùng virus gây ra COVID-19, thì phương án nào có thể giúp các hoạt động thể thao quay trở lại ? Nhìn vào các giải đấu quốc tế hiện tại, đó chính là “bong bóng khép kín” và vaccine.
Tại các quốc gia châu Âu, khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ở mức cao nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, các hoạt động thể thao, điển hình là bóng đá đã trở lại bình thường. Từ VCK giải vô địch châu Âu (EURO) tới các giải VĐQG và hiện tại là vòng loại World Cup 2022, sân cỏ nước Anh, hay Đức, Italia, Tây Ban Nha… đón nhận hàng vạn CĐV tới sân trong mỗi trận đấu, như thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh.
Trong khi đó, “bong bóng khép kín” là mô hình được áp dụng tại những sự kiện như Olympic và Paralympic 2020 vừa diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản) hay vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hoặc các trận đấu thuộc AFC Champions League. VĐV Việt Nam tham dự Thế vận hội hoặc các tuyển thủ bóng đá của ĐTVN thực hiện mô hình này khi thi đấu ở nước ngoài và hiện tại, “bong bóng khép kín” cũng được áp dụng ở các trận đấu thuộc vòng loại thứ ba World Cup 2022, giúp các thành viên ĐTVN không phải thực hiện cách ly y tế và đảm bảo an toàn thi đấu cả trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, trong điều kiện chúng ta chưa thể sớm hoàn thành việc tiêm chủng rộng rãi vaccine chống COVID-19 thì áp dụng “bong bóng khép kín” chính là điều kiện để các hoạt động thể thao có thể trở lại. Đây chính là mô hình “tập trung cách ly” đã được BTC VBA lần đầu tiên áp dụng trong mùa giải này, khi tập trung tập luyện và thi đấu thử nghiệm ở Nha Trang. Hạn chế tiếp xúc bên ngoài, khép kín chu trình di chuyển từ khách sạn tới Nhà thi đấu, phân chia các nhóm nhân sự đối với đội bóng, nhân viên khách sạn, thậm chí tạo những lối đi riêng tại Nhà thi đấu trường Đại học Nha Trang… là những yếu tố đảm bảo an toàn, bên cách việc cách ly 14 ngày sau khi di chuyển tới Khánh Hòa hay nhiều lần lấy mẫu test COVID-19 được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Khánh Hoà, đã giúp hàng trăm nhân sự VBA an toàn tuyệt đối sau 70 ngày có mặt tại Nha Trang, trong hoàn cảnh dịch bùng phát tại Thành phố biển.
Không thể mãi giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế và đời sống sẽ dần trở lại Ngay cả ở địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề như TP.HCM, những thay đổi đầu tiên xuất hiện khi chính quyền cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6h-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi. Khái niệm “bong bóng khép kín” hay “tập trung cách ly” đã dần trở nên quen thuộc và dù chưa thể trở lại ở mức độ “bình thường mới” thì được tổ chức thi đấu trở lại, với việc áp dụng chặt chẽ biện pháp an toàn phòng dịch vẫn sẽ mang lại sức sống mới. Thi đấu trở lại có nghĩa các doanh nghiệp thể thao được hoạt động, VĐV có thu nhập chính đáng, người hâm mộ lại được sống trong bầu không khí sôi động của các sự kiện thể thao, 1 động lực tinh thần để đối mặt tốt hơn với những khó khăn…/.