Tác nghiệp tại một kỳ Đại hội thể thao lớn như SEA Games 31 chưa bao giờ là dễ dàng đối với các phóng viên, nhà báo bởi thời gian tổ chức kéo dài, 40 bộ môn với hơn 500 nội dung thi đấu liên tục diễn ra ở nhiều địa điểm, nhiều tỉnh, thành. Để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã huy động lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên với số lượng đông đảo, có chuyên môn, nghiệp vụ cao, được trang bị các thiết bị tác nghiệp hiện đại.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: "Đài TNVN đã có sự chuẩn bị rất kỹ từ sớm để đưa thông tin về SEA Games phủ sóng rộng rãi trên các loại hình báo chí của Đài như phát thanh, truyền hình, báo điện tử và các nền tảng số. Chúng tôi đã có kế hoạch kỹ càng và huy động đội ngũ đông đảo. Nếu chỉ tính riêng các phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại sự kiện là gần 60 người, chưa kể đến hàng trăm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phục vụ hậu kỳ để đưa được những thông tin sớm nhất về SEA Games đến với công chúng".

Là đơn vị chủ lực truyền thông về SEA Games 31 trên làn sóng phát thanh, Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) đã tăng cường thời lượng và mật độ thông tin Đại hội và các thông tin bên lề trong các bản tin và chương trình chuyên biệt. Các phóng viên thể thao của VOV2 cũng được xem là những phóng viên “3 trong 1” khi vừa cung cấp tin, bài, nối cầu trực tiếp cho phát thanh vừa hỗ trợ quay phim, chụp ảnh phục vụ truyền hình và báo điện tử. Mặc dù khối lượng công việc đồ sộ nhưng các phóng viên đã giải quyết được bài toán thông tin nhanh nhạy với độ chính xác chuyên môn cao.

Phóng viên Quyết Thắng của Ban Văn hóa- Xã hội chia sẻ về quá trình tác nghiệp tại sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á: "Cùng với quá trình tranh tài của các vận động viên, tại SEA Games 31 đội ngũ người làm báo chúng tôi cũng phải chạy đua với thời gian để có thể truyền tải đến công chúng những tin tức, hình ảnh mới nhất từ các địa điểm thi đấu. Mỗi một sự kiện chúng tôi phải đi đến thật sớm để có thể phỏng vấn ngoài lề, tìm hiểu trước về bộ môn, tìm vị trí tác nghiệp đẹp nhất, thích hợp nhất mà không ảnh hưởng đến vận động viên hay đội ngũ trọng tài. Với nỗ lực của mình, đội ngũ phóng viên VOV2 đã thành công trong việc truyền tải toàn cảnh một kỳ SEA Games công bằng, cao thượng, minh bạch, không đặt nặng vấn đề thành tích và quan trọng hơn hết là thúc đẩy tinh thần fair-play trong thể thao".

VOV2 cũng là đơn vị nhận trọng trách tường thuật trực tiếp hai sự kiện quan trọng là Lễ khai mạc và Lễ bế mạc SEA Games 31 bên cạnh các trận đấu của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và U23 Việt Nam. Theo BLV Thành Lương, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, để thu hút thính giả và tạo sự sinh động, hấp dẫn cho chương trình tường thuật thì bản thân người làm phải có sự đổi mới. "Phong cách tường thuật bây giờ cũng phải thay đổi. Ngày xưa, phong cách tường thuật của các BLV kỳ cựu là thông tin, thông tin và diễn biến nhưng bây giờ thông tin mọi người tiếp cận được rất nhiều, thậm chí là sâu hơn cả BLV. Chính vì vậy mình phải có cách tiếp cận vui hơn, nhẹ nhàng và giải trí hơn", BLV Thành Lương chia sẻ.

Bên cạnh truyền tải thông tin về SEA Games trên làn sóng phát thanh, các phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam còn tích cực đem đến những thông tin, hình ảnh trên các báo điện tử https://vov.vn hay https://vtc.vn. Trong suốt thời gian diễn ra đại hội, độc giả cả nước có thể cập nhật những dòng tin nóng hổi nhất về diễn biến từng trận đấu, từng vận động viên thi đấu, từng kỷ lục và không khí náo nhiệt, hăng say của đại hội. Nhà báo Phạm Công Hân, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VOV.VN cho biết: “Để các kênh sóng cũng như báo điện tử lấy tin, bài được nhanh nhất, phóng viên gửi tin, bài, ảnh, clip... trực tiếp lên zalo và những người trực ở nhà có thể dễ dàng lựa chọn những thông tin mà đơn vị mình cần. Để các kênh sóng cũng như báo điện tử lấy tin, bài được nhanh nhất”.

Lần đầu tác nghiệp ở một kỳ SEA Games, phóng viên ảnh Vũ Toàn chia sẻ: "Mỗi một môn thể thao sẽ có một đặc điểm khác nhau trong việc chụp ảnh. Em phải đi tìm hiểu các bức hình của các phóng viên trong nước và nước ngoài đã từng chụp để tham khảo, từ đó học hỏi và khi vào môi trường tác nghiệp thì mình có thể áp dụng để ra được những bức ảnh tốt nhất bên cạnh những sáng tạo của riêng mình". Không ngại vất vả, các phóng viên tác nghiệp ở mọi điều kiện, kể cả đứng dưới trời mưa để có được những hình ảnh chân thực, đẹp nhất, những thông tin nhanh nhất truyền tải đến bạn đọc. Minh chứng cho hiệu quả công việc đó là lượng truy cập để theo dõi SEA Games 31 trên báo điện tử vov.vn đã tăng gấp đôi so với ngày thường.

Ở kỳ SEA Games trên sân nhà lần này, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chủ động cân đối, huy động ngân sách để trả phí cung cấp tín hiệu sạch phục vụ công chúng, tổ chức sản xuất những chương trình truyền hình ấn tượng trên các kênh VTC và nền tảng số VTC Now. Nhà báo Phạm Tam Điệp, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất chương trình Thể thao – Giải trí, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết: "Với mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho khán giả tại SEA Games lần này, chúng tôi có 3 hệ thống nội dung gồm: tin tức, chuyên đề và bình luận, tường thuật trực tiếp các môn thi đấu. Để tải tất cả nội dung đó với lực lượng nhân sự không quá dồi dào, chúng tôi phải phân bổ, cân đối sao cho hợp lý. Hàng ngày nhìn lịch sản xuất của anh em phóng viên ra hiện trường lắm lúc nghĩ rất thương vì có khi đến 23h mọi người mới về đến cơ quan nhưng ngày hôm sau 6h-7h đã có lịch đi sản xuất rồi. Tuy nhiên, với những người làm thể thao, tất cả đều vui vẻ, chấp thuận với điều đó vì cùng hướng tới mục đích mang lại những điều tốt nhất cho khán giả".

Đóng góp không nhỏ trong kế hoạch tuyên truyền SEA Games 31 của Đài TNVN phải kể đến cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc. Dù không chuyên về thể thao nhưng sự tìm tòi, học hỏi tích cực đã giúp các phóng viên ở đây bắt nhịp nhanh chóng và đáp ứng tốt công việc phản ánh tất cả thông tin liên quan tới Đại hội tổ chức ở Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng phục vụ cho các đơn vị trong toàn đài. Anh Bùi Tiến Cường, Phó trưởng phòng Phóng viên cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc cho biết: "Không chỉ đưa thông tin về kết quả thi đấu thể thao, chúng tôi cũng muốn giới thiệu những cái liên quan đến văn hóa, du lịch, con người. Ví dụ như trước SEA Games chúng tôi cũng lên kế hoạch tổng thể tuyên truyền về sự chuẩn bị của các địa phương, sự đón tiếp từ nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại, an ninh, sân bãi, giới thiệu thắng cảnh ở khu vực đó.

Có thể thấy, Đài TNVN – một cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa loại hình - thực sự là một “binh chủng” báo chí rất mạnh, đã có sự chủ động và góp phần vào thành công trong công tác truyền thông về SEA Games 31 đến với công chúng trong nước và quốc tế. Qua đây, chúng ta đã quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Thành công vang dội của SEA Games 31 đã tạo ra nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với công chúng yêu thể thao trong nước và là một chỉ dấu cho thấy Việt Nam đã hồi phục và vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch./.