Sau 33 năm ròng rã chờ đợi, boxing Việt Nam đã giành chiến thắng ở Olympic, do công của Nguyễn Văn Đương. Bắn cung Việt Nam lần đầu góp mặt ở Olympic bằng 2 cung thủ Ánh Nguyệt - Phi Vũ. Tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh kỷ lục 4 lần liên tiếp dự Olympic, còn đồng đội Nguyễn Thùy Linh có 2 chiến thắng ấn tượng ở vòng bảng nội dung đơn nữ. Đó là những niềm an ủi hiếm hoi giữa sự trầm lắng đang bao trùm đoàn thế thao Việt Nam dự Thế vận hội lần thứ 32.

Thực tế, dù có đội hình 18 VĐV, đoàn thể thao Việt Nam chỉ đặt hy vọng huy chương vào 3 cái tên là Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn (môn cử tạ) cùng Hoàng Xuân Vinh (môn bắn súng). Nhà vô địch Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hiện 47 tuổi, đã có kế hoạch chuyển hẳn sang công tác huấn luyện. Thạch Kim Tuấn được kỳ vọng cao nhưng chỉ khi thi đấu ở hạng cân 56kg, khi bị đôn lên hạng cân 61kg thì phải đối điện với quá nhiều đối thủ mạnh trên thế giới, không có “cửa” cạnh tranh huy chương. Cả hai đều thi đấu không thành công. Đến chiều 27/7, nỗ lực bất thành của Hoàng Thị Duyên ở hạng cân 59kg môn cử tạ gần như khép lại hy vọng đoạt huy chương.

“Tôi gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ đã theo dõi, ủng hộ cử tạ suốt thời gian qua. Thầy trò tôi rất buồn vì kết quả thi đấu không được như mong muốn dù đã cố gắng hết sức, đối thủ thì cũng rất là mạnh…” - HLV Lưu Văn Thắng gửi thông điệp sau thất bại của nữ đô cử Hoàng Thị Duyên.

Không ai trách các VĐV, họ đã cho thấy sự cố gắng hơn 100% sức lực của mình. Đặc biệt, với Hoàng Thị Duyên, đô cử này đến Olympic cùng hành trang là đợt cách ly cả tháng trời, thiếu thốn cả về dinh dưỡng lẫn điều kiện tập luyện để duy trì phong độ.

“Có lẽ những người yêu mến thể thao đều muốn chia sẻ với những khó khăn mà các VĐV, HLV, cán bộ đoàn thể thao Việt Nam phải trải qua ở đấu trường cam go bậc nhất thể thao đỉnh cao, đó là Olympic. Trong điều kiện khó khăn này, một là dịch bệnh, hai là chuẩn bị chưa tốt, ba là đối thủ mạnh, nếu họ giành được huy chương là phi thường, còn nếu họ không giành được huy chương thì đó là việc bình thường” - Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho biết.

Trong các kỳ SEA Games gần đây, đoàn Việt Nam thường xuyên giữ vị trí trong tốp 3. Tại Olympic Tokyo 2020, số VĐV Việt Nam thấp nhất trong các quốc gia tốp đầu ở Đông Nam Á. Thái Lan có 30 VĐV, Indonesia có 28 VĐV, Singapore có 23 VĐV, Philippines có 19 VĐV, rồi mới tới con số 18 VĐV của Việt Nam… Ba kỳ SEA Games gần nhất, hai môn đóng góp nhiều huy chương nhất cho đoàn Việt Nam là điền kinh và bơi, song các VĐV nước ta ở cả 2 môn này hầu như không có cơ hội đua huy chương Thế vận hội. Đặc biệt, câu chuyện Ánh Viên vẫn luôn luôn là minh chứng cho thấy sự thiếu hiệu quả trong chiến lược đầu tư.

“Chúng ta tham gia Olympic từ 1980 ở Moscow, 40 năm trôi qua là một thời kỳ rất dài, gần nửa thế kỷ rồi, nhưng chúng ta vẫn chưa thay đổi cách làm, chưa xác định rõ cụ thể mục tiêu. Ví dụ Thái Lan, họ có 10 HCV Olympic trong các kỳ tham dự, trong đó có 5 HCV cử tạ, 4 HCV Boxing và mới đây vừa có HLV Taekwondo. Nhưng tôi được biết Thái Lan, Boxing, Cử tạ, Bắn cung và từ năm 90 của thế kỷ trước, Taewondo đã được đầu tư rất lớn, quá trình rất dài, rất gian khổ. Các nước Đông Nam Á, chúng ta thấy họ cũng lựa chọn. Malaysia chọn Nhảy cầu, Cầu lông, Indonesia chọn Cầu lông, Cử tạ, Philippines thì Cử tạ, Boxing. Họ đầu tư đều đạt kết quả. Chúng ta phải xem xét, so sánh những đối thủ xung quanh chúng ta và nhìn ra bình diện toàn cầu. Thành công là phải giành được huy chương, điều tự hào chính là lá cờ Tổ quốc được kéo lên ở đấu trường Olympic” - Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm.

Cho tới lúc này, chỉ có taekwondo, cử tạ và bắn súng là những môn giúp Việt Nam giành được huy chương Olympic. Điều đáng lo ngại, sau Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam chưa nhìn ra VĐV có triển vọng cho mục tiêu Thế vận hội. Con đường chinh phục Olympic ngày càng gian nan và mang đến cảm giác bất an.