Một tháng đã trôi qua sau chuyến làm khách ở Oman song những lỗi “cố hữu” trong cách kèm người của hàng thủ đội tuyển Việt Nam vẫn đem đến mối lo ngại không hề nhỏ. Những động tác tay dư thừa, gây nguy hiểm cho đối thủ có thể dễ dàng qua mắt trọng tài ở V.League nhưng khi ra đấu trường quốc tế, có sự xuất hiện của VAR, thì “nhất cử nhất động” sai luật đều sẽ bị phát hiện. Thực tế là chỉ sau 4 trận, đội tuyển Việt Nam chịu tới 4 tình huống phạt đền.

Theo BLV Quang Tùng, nếu không từ bỏ lối chơi thô bạo thì hậu quả nghiêm trọng sẽ còn tiếp diễn: “Rất nhiều những trận đấu kể từ thời đá Asian Cup, khi gặp Nhật Bản, thì chúng ta đã gặp rồi. Và nếu như áp dụng VAR mà chúng ta vẫn ứng xử như vậy thì rõ ràng là chúng ta sẽ thiệt thòi. Bây giờ là lúc mà chúng ta trở về thực tế rất là rõ ràng. Thực tế là gì, bàn thắng chúng ta có chưa, chúng ta đã có nhiều, 4 trận 4 bàn thắng, bây giờ vấn đề chỉ còn lại là điểm số. Hãy phấn đấu bằng mọi cách để có được điểm số, đấy là mục tiêu và tôi nghĩ rằng trong hai trận đấu tháng 11, trên sân nhà, có thể chúng ta sẽ có một điểm.

Cũng tin tưởng về điều tích cực trong tháng 11 này, BLV Quang Huy nhấn mạnh hai điểm mấu chốt khác để đoàn quân của HLV Park hang Seo đạt được mục tiêu có điểm trước đối thủ mạnh, đó la phân phối sức hợp lý, rồi chờ đợi những thời khắc thăng hoa: “Cách đá của chúng ta phải phân bổ sức tốt hơn, làm sao đấy, chứ còn những trận gần đây thì đội tuyển Việt Nam nhập cuộc tốt nhưng vào cuối trận thường bị đuối. Làm sao chúng ta đá sân nhà có hưng phấn, nhưng mà cũng phải giữ sức hiệp hai. Tôi cũng mong muốn đội tuyển Việt Nam có sự thăng hoa nhiều hơn”.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park dẫu đã có những bước tiến dài về thể lực, song ở sân chơi quy tụ những đội mạnh nhất châu lục như này, sự bền bỉ của các tuyển thủ nước ta vẫn là nỗi lo có thật.

“Chúng ta lo lắng là vấn đề thể lực. Những trận qua, 20 phút cuối là chúng ta thua sút về tốc độ, rồi là những pha tranh chấp, bóng bổng không nói, nhưng về tốc độ chúng ta thua hoàn toàn. Chúng ta cũng thấy rằng là sân chơi này nó không dành cho những sự non nớt” - HLV Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Khắc phục sự “non nớt” ở đây được hiểu rất rộng. Có thể là một phương án rất cụ thể để chống lại “bài tủ” của đối phương, mà bài học thủ môn Văn Toản bị số đông cầu thủ Oman vây quanh trong tình huống phạt góc là ví dụ điển hình. Cũng có thể là toàn đội phải tập trung cao độ để có một cái đầu lạnh, quyết tâm, tự tin nhưng nhất định không thể chủ quan. Đúng là thầy trò HLV Hajime Moriyasu đang bị truyền thông nước này chỉ trích sau khi để thua tới 2 trên 4 trận đã đấu, song đội tuyển Nhật Bản vẫn đang đứng thứ 2 châu Á theo bảng xếp hạng FIFA, đang hướng tới lần thứ 7 liên tiếp dự VCK World Cup. Đúng là sự chuẩn bị của đội khách không thật sự thuận lợi khi nhóm cầu thủ trụ cột đến tối 09/11 mới có thể đến Việt Nam sau hành trình dài mệt mỏi, song đó là những cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu và khả năng thích nghi nhanh chóng là điều không cần bàn cãi.

Đội chủ nhà cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đón khách mạnh. Hậu vệ Phạm Xuân Mạnh, một “vũ khí bí mật” của đội tuyển Việt Nam tiết lộ, HLV Park Hang Seo đặc biệt chú trọng rèn các bài chiến thuật mới… Còn Masaaki Ideguchi, tiền vệ từng thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai trong giai đoạn 2016 – 2017, từng ra sân 33 trận tại V.League, chia sẻ: "Nếu muốn có một kết quả tốt, các cầu thủ Việt Nam cần chơi bùng nổ, chờ đợi sai lầm từ hàng phòng ngự đối phương. Tôi yêu Việt Nam, nhưng tôi cũng là người Nhật Bản. Vì vậy tôi dự đoán 2 đội sẽ hòa nhau với tỷ số 1-1. Công Phượng và Minamino là những người ghi bàn ở trận đấu này".

Những người yêu bóng đá cả nước đang đếm ngược từng giờ trước cuộc so tài vào tối 11/11 trên sân Mỹ Đình, nơi Công Phượng, Quang Hải và các đồng đội chạm trán “dàn sao” đang thi đấu ở châu Âu của đội tuyển Nhật Bản.