PV: Đến thời điểm này thì Ban tổ chức của Para Games 11 đã công bố chính thức bao nhiêu môn, thưa ông?

Ông Vũ Thế Phiệt: Phía Việt Nam đưa ra 11 môn và các nước bạn trong Đông Nam Á cũng có đề nghị thêm, trên 11 môn, lên 16-17 môn. Tuy nhiên thì do điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid nên chúng ta cũng đề nghị phía các nước bạn thống nhất là 11 môn. Trong 11 môn này, chúng ta có 7 môn đang tham dự các kỳ Para Games, còn 4 môn mới hoàn toàn, đang cần phải đào tạo mà thời gian này gặp khó khăn do các chuyên gia nước ngoài không thể sang được. Chúng ta vẫn sẽ cố gắng đăng ký 11 môn, làm sao chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức tốt 11 môn này tại các địa điểm thi đấu.

PV: Như ông vừa nói thì chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Vậy lịch trình các giải đấu trong năm nay cho VĐV Người Khuyết Tật (NKT) được lên kế hoạch như thế nào?

Ông Vũ Thế Phiệt: Để chuẩn bị cho cuối năm có Para Games thì ngay từ đầu năm chúng tôi đã lên lịch 3 giải đấu. Tháng 4 tại TP HCM tổ chức giải các CLB, có những môn Judo, Boccia, Bắn cung và Bóng đá khiếm thị. Còn đến tháng 5 thì tổ chức các môn khác như là bóng bàn, cầu lông, cờ vua, cử tạ. Đến tháng 6 sẽ tổ chức 2 môn cơ bản là điền kinh và bơi. Như vậy chúng ta sẽ tổ chức 11 môn từ nay cho đến hết tháng 6. Qua tháng 6 thì chúng ta sẽ lựa chọn những VĐV xuất sắc nhất trong các môn đó để tập trung đội tuyển, chuẩn bị cho thi đấu.

PV: Kỳ Para Games sắp tới đây, chúng ta là nước chủ nhà và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mục tiêu đặt ra ở kỳ Đại hội này là gì?

Ông Vũ Thế Phiệt: Đối với Thể thao NKT, các cấp lãnh đạo không đặt ra chỉ tiêu, mà vấn đề chính là động viên các VĐV vượt lên chính mình, không đặt chỉ tiêu là phải đứng thứ mấy, phải bao nhiêu huy chương. Tuy vậy năm 2003 chúng ta đứng thứ hai, và liên tục từ đấy đến nay đoàn Việt Nam tuy rằng số lượng còn khiêm tốn nhưng luôn ở trong top 3 khu vực Đông Nam Á. Đấy là thành tích chung của thể thao NKT Việt Nam. Và đặc biệt là tại Paralympic, Việt Nam chúng ta cũng đoạt được HCV, dù là không ai ngờ đến. Đấy là những cái mà Thể thao NKT chúng ta đã làm được.

PV: Thưa ông, tại Paralympic 2016 ở Braxin chúng ta có huy chương, gồm cả HCV, rồi Asian Para Games 2018, chúng ta cũng tiếp tục thành công vang dội. Những thành tích quốc tế như vậy sẽ được đảm bảo và duy trì ra sao ở đấu trường sắp tới vào mùa hè này, đó là Paralympic 2021?

Ông Vũ Thế Phiệt: Đối với cả Tokyo 2021, đến giờ phút này cũng chưa khẳng định có tổ chức được hay không vì tình hình Covid-19 hiện nay vẫn đang phức tạp. Tuy nhiên nếu như mà phía ban tổ chức Nhật Bản vẫn quyết tâm thực hiện thì phải có một cái đảm bảo an toàn cho VĐV. Điều này rất khó. Do dịch Covid-19 nên là các VĐV khi chúng tôi họp với Ban tổ chức Tokyo, người ta đưa ra yêu cầu VĐV đến sân bay là đã phải được tiêm vaccine từ trong nước, đến sân bay kiểm tra lần nữa, rồi đưa về làng VĐV, đi thi đấu quay về làng VĐV, không có một thời gian nào ra ngoài và thi đấu xong là trở về luôn. Đảm bảo an toàn cho VĐV là cao nhất nhưng điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến thành tích của VĐV. Họ sẽ bị ức chế và sẽ không có thành tích cao. Đấy là điều mà chúng ta phải tính đến.

PV: Hiện giờ đã có công bố về danh sách các VĐV nước ta đạt chuẩn tham dự Paralympic 2021, ông có thể nói rõ về danh sách này?

Ông Vũ Thế Phiệt: Đến nay bơi chúng ta có 4 suất, điền kinh chúng ta có suất chính thức và có thể được xét thêm 2 trường hợp nữa là 3, và cử tạ chúng ta có 4 suất. Chúng ta có khoảng 10-11 VĐV sẽ tham dự Paralympic tại Tokyo vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới. Thế cho nên việc chuẩn bị cho các VĐV của chúng ta hiện nay để tham dự Paralympic đang trong tình trạng luôn luôn nghe nghóng, luôn luôn chờ đợi, không biết được đi hay không. Đấy là vấn đề rất là khó. Không như mọi năm là chúng ta tập huấn ngay, đến ngày đi là đi thôi. Hiện nay cũng chưa chắc chắn. Còn mấy tháng nữa thôi để làm sao nâng cao thành tích lên nhưng cũng chưa làm được.

PV: Theo đánh giá của ông thì khả năng chúng ta bảo vệ được những tấm huy chương, đặc biệt là HCV Paralympic thế nào?

Ông Vũ Thế Phiệt: Tôi nghĩ rằng khả năng bảo vệ HCV là khó. Bởi vì VĐV Lê Văn Công sau khi thi Rio năm 2016 về thì anh có bị một tai nạn. Đến năm 2018 mới bắt đầu trở lại thi đấu được, đến năm 2019 mới chính thức thi lấy điểm, thành tích của anh hiện nay đang đứng thứ tư trên thế giới. Hiện nay có hy vọng khác là Bình An, một VĐV về thành tích mà nói thì có thể HCV nhưng có một yếu điểm là tâm lý thi đấu không ổn định. Thế còn Võ Thanh Tùng môn bơi thì hiện nay đảm bảo HCB cũng là khó, cố gắng trong 4 cự ly thì một cự ly có thể chắc chắn. Có một điều Tùng năm nay cũng nhiều tuổi rồi, 32 tuổi, cũng là một bất lợi cho Tùng.

PV: Tháng 4 này chúng ta có ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4). Là một người gắn bó sâu sắc, dành tình cảm đặc biệt cho Thể thao người khuyết tật, ông có chia sẻ nào trong dịp này?

Ông Vũ Thế Phiệt: Phải nói rằng trải qua hai năm 2019, 2020 vừa qua thì là các VĐV khuyết tật bị nhiều thiệt thòi là không được thi đấu. Nhân dịp này, tôi mong rằng các VĐV của chúng ta cố gắng làm sao duy trì được tập luyện hàng ngày, trước mắt là đảm bảo sức khỏe, thứ hai là luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị tham gia các giải đấu. Nhân ngày NKT Việt Nam, tôi gửi lời chúc toàn thể anh chị em VĐV, HLV, những người làm công tác Thể thao NKT mạnh khỏe, hạnh phúc và thu được nhiều kết quả tốt trong công việc của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!