Trên sân Mestalla, CĐV Valencia nhiều lần miệt thị cầu thủ đối phương. Đây cũng không phải lần đầu tiên Vinicius bị phân biệt chủng tộc ở La Liga (Giải vô địch Tây Ban Nha). Và càng không phải lần đầu tiên CĐV La Liga khiến thế giới bóng đá phẫn nộ vì những hành vi xấu xí của mình. Sau trận đấu, Vinicius đã bày tỏ sự bức xúc của mình: “Tôi không muốn thi đấu nữa. Phần thưởng của những kẻ phân biệt chủng tộc là tôi bị truất quyền thi đấu. Đó không phải là bóng đá, mà là La Liga. Đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải lần thứ 2 hay thứ 3. Sự phân biệt chủng tộc là điều bình thường ở La Liga. BTC giải đấu nghĩ đó là chuyện bình thường, Liên đoàn cũng vậy và các đối thủ cũng khuyến khích điều đó!"
Khoảng 20 năm qua, khi tuyển Pháp chinh phục thế giới bằng những siêu sao da màu, người ta đã ca ngợi đó là hình ảnh của một làng bóng đá không biên giới. Sự thật, tuyển Pháp mạnh lên rất nhiều với những ngôi sao gốc Senegal, Algerie, Morocco...
Nhưng rồi hào quang vẫn không thể che lấp đi nạn phân biệt chủng tộc. Ba năm trước, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp khi đó - ông Noel Le Graet - gây bức xúc với phát biểu: "Chuyện phân biệt chủng tộc trong bóng đá không hề tồn tại hoặc chỉ xuất hiện ở mức vu vơ".
Nhưng chỉ sau đó một thời gian, ông Noel Le Graet lại gây sốc khi đưa ra những phát biểu không hay về Zinedine Zidane và Karim Benzema - những danh thủ gốc Phi của bóng đá Pháp.
Thậm chí chủ tịch liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha Javier Tebar cũng đã đăng một phản hồi trên Twitter về những lời chỉ trích của Vinicius. "Chúng tôi đã cố gắng giải thích cho bạn về La Liga và những gì chúng tôi có thể làm trong trường hợp phân biệt chủng tộc, nhưng bạn không xuất hiện trong hai ngày đã được thống nhất mà chính bạn yêu cầu. Trước khi chỉ trích và sỉ nhục La Liga, Vinicius cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin. Đừng để bị điều khiển và hãy đảm bảo bạn hiểu rõ công việc mà chúng tôi đã làm. Dù bạn nói bao nhiêu và giả vờ không đọc, hình ảnh của bạn trong giải đấu đang bị lung lay.”
Rõ ràng Tebas dường như quan tâm nhiều hơn đến việc Vinicius im lặng hơn là đối phó với những kẻ phân biệt chủng tộc. Như cầu thủ này đã chỉ ra, điều này thực sự đang gây hại cho thương hiệu mà chủ tịch La Liga rất muốn bảo vệ.
Vấn nạn phân biệt chủng tộc đã nhiễm vào tiềm thức của không ít người dân, thậm chí là giới chức có thẩm quyền. Không phải ngẫu nhiên mà Vinicius lại “tấn công” ban lãnh đạo La Liga, với những lời lẽ đầy cay nghiệt, phẫn nộ.
“Hãy nói cho tôi biết, tại sao báo chí, người hâm mộ và các cầu thủ đều hăm hở ngăn chặn Super League chỉ sau 48 giờ nó ra đời. Nhưng khi có phân biệt chủng tộc rõ ràng tại một sân vận động, thì nó lại trở nên ‘phức tạp’?”Đó là những dòng phẫn uất của trung vệ Antonio Rudiger cách đây 2 năm, sau khi cùng Chelsea vô địch Champions League.
Rudiger chia sẻ thêm:Thế giới bóng đá phản ứng ra sao khi có vụ phân biệt chủng tộc? Mọi người nói, "Ahhh, nó thật kinh khủng". Các CLB và các cầu thủ đăng sẽ có thông điệp trên mạng: “Chấm dứt phân biệt chủng tộc!!!”. Rồi sẽ có một cuộc điều tra, nhưng chẳng đi đến đâu. Thỉnh thoảng, chúng ta có một chiến dịch truyền thông xã hội lớn và mọi người đều cảm thấy hài lòng về bản thân, sau đó mọi thứ lại như cũ. Chẳng có gì thay đổi!
Còn tại giải Ngoại hạng Anh, thời kỳ hậu Covid 19 hành động quỳ gối trước trận được các CLB thực hiện nhằm ủng hộ phong trào chống tình trạng phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử ngày càng tràn lan ở giải đấu xứ sương mù nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Tuy nhiên những hành động này có thực sự đem lại hiệu quả. Tiền đạo Wilfried Zaha nhấn mạnh: "Không quan trọng là đứng hay quỳ, miễn sao phải hiệu quả. Tôi nghĩ cách làm hiện tại chưa cho thấy tác dụng rõ ràng, bởi vẫn còn nhiều cầu thủ da màu bị phân biệt đối xử".
Wilfried Zaha cũng đã từng gợi ý phương cách để chống lại nạn phân biệt chủng tộc. “Cá nhân tôi cảm thấy chúng ta nên khuyến khích sự giáo dục ngay từ trường học, trên phương tiện truyền thông và có hành động mạnh mẽ hơn với những kẻ phân biệt – không chỉ mỗi cầu thủ bóng đá, đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người”.
Nhưng rõ ràng, để thực hiện được là một chặng đường còn lâu còn dài. Sân bóng, với những người đến thưởng thức các trận đấu đỉnh cao, không phải là mảnh đất cho nạn phân biệt chủng tộc hoành hoành. Có lẽ đã đến lúc tất cả mọi người yêu bóng đá phải chung tay đoàn kết chống lại vấn nạn đầy nhức nhối trong lòng xã hội châu Âu.