Lễ hội Cờ vua người khuyết tật Hà Nội mở rộng năm 2022 đã thu hút đông đảo kỳ thủ không chỉ của Thủ đô mà còn từ các tỉnh lân cận tham gia tranh tài. Tại đây, các kỳ thủ được chia thành hai bảng: phong trào và nâng cao, thi đấu cờ nhanh 07 ván theo Hệ Thụy Sỹ. Các VĐV cũng được thi đấu theo các nhóm khác nhau như khuyết tật vận động, khiếm thị hay khiếm thính.

Ông Bùi Quang Vũ, HLV Đội tuyển Cờ vua người khuyết tật Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất muốn tạo một sân chơi để cho tất cả người khuyết tật, dù có phải là VĐV cờ vua hay không, dù chơi tốt hay mới tập chơi, nếu có đam mê, mong muốn được tham gia thi đấu, tự tin khẳng định khả năng của mình thì các bạn đều được tham gia giải đấu đó”.

Chính vì tính chất mở rộng của giải đấu nên rất nhiều người khuyết tật yêu thích cờ vua đã mạnh dạn đăng ký để thử sức mình. Là thành viên của Ban Tổ chức, HLV Bùi Quang Vũ chia sẻ rằng anh đã rất xúc động khi nhận được đăng ký của các kỳ thủ người khuyết tật chưa từng tham gia thi đấu bao giờ đến từ Sơn La hay tin nhắn của một bạn bị liệt nửa người đến từ Hải Phòng có thổ lộ rằng “em mới tập chơi nhưng em muốn được giao lưu với các bạn khuyết tật khác”…

Anh Cao Văn Ninh ở Hoài Đức (Hà Nội) là một trong số các VĐV chưa từng góp mặt ở bất kì giải đấu cờ vua nào. Với đôi chân không lành lặn, vượt quãng đường hơn 20km xuống địa điểm thi đấu ở trường Đội Lê Duẩn trên phố Kim Mã, anh Ninh không nghĩ mình có thể giành được HCV mà chỉ muốn thử thách bản thân và vượt lên chính mình. “Thực sự mình rất vui khi lần đầu tiên tham gia một giải đấu cờ vua dành cho người khuyết tật và vui hơn nữa khi mình giành được giải thưởng cao nhất. Tấm huy chương này rất có ý nghĩa với mình” – anh Ninh bộc bạch.

Còn với kỳ thủ Nguyễn Thị Hồng – nữ VĐV khiếm thị từng gây ấn tượng rất lớn ở Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á 2022 với 5 HCV, việc tham dự “Lễ hội Cờ vua người khuyết tật Hà Nội mở rộng” lần này không chỉ đem đến cơ hội cọ xát chuyên môn mà bản thân cô cũng hy vọng sự góp mặt của mình phần nào sẽ tạo động lực cho những người cùng cảnh vươn lên.

Trước khi đến với cờ vua chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Hồng cũng từng tham gia những giải đấu phong trào nho nhỏ. Từ đó, cô được phát hiện và được bồi dưỡng để trở thành kỳ thủ hàng đầu của cờ vua người khuyết tật Việt Nam và của cả Đông Nam Á. Chính vì vậy, HLV Bùi Quang Vũ kỳ vọng rằng “Lễ hội Cờ vua người khuyết tật Hà Nội mở rộng” cũng có thể là cái nôi phát hiện ra những nhân tố triển vọng trong tương lai.

“Chúng tôi tổ chức giải đấu này với kỳ vọng thúc đẩy phong trào tập luyện môn cờ vua cho người khuyết tật ngày càng sâu rộng hơn nữa, ngày càng có nhiều người khuyết tật tham gia tập luyện môn này. Qua sự phát triển phong trào đó, chúng tôi có thể tuyển chọn được thêm nhiều VĐV trẻ triển vọng làm lứa kế cận, làm sao để thành tích thể thao người khuyết tật Hà Nội cũng như Việt Nam tốt hơn nữa tại các đấu trường trong nước và quốc tế” – HLV Bùi Quang Vũ khẳng định.

Lễ hội Cờ vua người khuyết tật Hà Nội mở rộng năm 2022 đã kết thúc nhưng dư âm về một giải đấu với đủ đầy cảm xúc vẫn đọng lại trong mỗi người. Tại đây, các VĐV đã có trọn vẹn một ngày thỏa sức với đam mê, những lo toan của cuộc sống mưu sinh dường như tan biến hết. Ở đó còn có nụ cười rạng rỡ của những em bé khiếm thính được nhìn thấy những tấm huy chương, vui mừng hết cỡ khi lần đầu được đeo chúng; có lời chia tay vội của một bạn nữ khuyết tật vận động thi đấu xong phải ra xe về Sơn Dương, Tuyên Quang gấp mà không kịp nhận huy chương; là hình ảnh bà mẹ già dẫn người con khuyết tật từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) liêu xiêu trong buổi tờ mờ sáng Hà Nội mưa rét haynhững cái hẹn gặp lại ở các giải đấu lần sau. Đó cũng chính là lý do để những nhà tổ chức giải vững tin vào điều mình đang làm và sẽ làm để góp phần đem đến sân chơi ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật./.