Tính từ ASIAD 16 diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm 2010, lần đầu tiên Olympic Việt Nam tham dự môn bóng đá nam ASIAD mà không mang đội hình mạnh nhất, ngay cả khi hệ thống bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đã khép lại mùa giải 2023 và vẫn còn hơn một tháng nữa khởi tranh mùa giải mới. Trước đó, các chiến lược gia Phan Thanh Hùng (2010), Toshiya Miura (2014) và Park Hang Seo (2018) đều đến ASIAD với những gương mặt tốt nhất thuộc lứa tuổi U23. Thậm chí, V.League còn tạm dừng để các CLB “nhả quân” theo đề xuất từ HLV trưởng. Chính vì vậy, chúng ta mới có thành tích lọt đến vòng bán kết ASIAD năm 2018, hay 4 năm trước nữa với chiến thắng 4-1 trước Olympic Iran gây chấn động châu Á.

Trở lại với thực tại, đội hình Olympic Việt Nam chuẩn bị ASIAD 19 chỉ có 12 cầu thủ vừa cùng U23 Việt Nam vượt qua vòng loại để giành vé dự vòng chung kết Giải U23 châu Á 2024, với 10 cái tên chỉ mới bước sang tuổi 20. Với những gương mặt trẻ trung như vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không đặt nặng mục tiêu thành tích mà xác định ASIAD là giải đấu để các cầu thủ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, tiếp tục công cuộc sàng lọc hướng đến phục cho đội tuyển quốc gia trong tương lai gần.

Sự trưởng thành thông qua màn trình diễn của các cầu thủ trẻ ở ASIAD 19, sẽ giúp chúng ta phần nào hình dung được tương lai của đội tuyển quốc gia sau này. Đó cũng là điều mà HLV Hoàng Anh Tuấn hướng đến khi ông làm công tác đào tạo trẻ. “Ai cũng mong muốn chọn cầu thủ tốt nhất. Nhưng trong thời điểm hiện tại, với mục tiêu cụ thể theo định hướng chiến lược về phát triển cầu thủ trẻ của VFF thì chúng ta phải chọn cầu thủ phù hợp. Thành tích thì ai cũng muốn, chính cá nhân tôi cũng muốn có thành tích, nhưng nhiệm vụ cốt lõi trong đợt này là chơi như nào, thực hiện đấu pháp ra sao, sự tiến bộ trong giải đấu của các cầu thủ, từ đó chúng ta có thể đưa ra đánh giá bóng đá Việt Nam đang nằm ở đâu, trình độ như thế nào".

Dù không đặt nặng thành tích nhưng thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn khao khát có được dấu ấn ở đấu trường Á vận hội. Khao khát ấy thể hiện rõ trong từng bước chân miệt mài, từng giọt mồ hôi trên gương mặt đỏ bừng của các cầu thủ trẻ ở những buổi tập dù ít ỏi. Họ hiểu rằng, đây chính là cơ hội để khẳng định mình, để trưởng thành hơn trong chặng đường phía trước. “Mục tiêu của em giống như toàn đội, thi đấu tốt nhất qua từng trận. Thi đấu nhiều giải là lợi thế của bản thân em và giúp chúng em trưởng thành hơn. Thể lực có suy giảm nhưng đó không phải vấn đề gì, thầy cũng giúp chúng em hồi phục và chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD”, Tiền vệ Nguyễn Đức Phú khẳng định.

Về mục tiêu cụ thể của đội tuyển Olympic Việt Nam khi bước vào tranh tài tại ASIAD 19, HLV Hoàng Anh Tuấn khẳng định ông không muốn đặt áp lực lên cầu thủ của mình. “Tôi muốn họ phải làm những gì tốt nhất, hơn cả những gì họ có. Với yêu cầu như thế thì đằng sau phải ẩn chứa mục tiêu cụ thể. Nếu tôi nói ra mục tiêu cụ thể ấy, điều này có thể không tốt cho các cầu thủ. Trong danh sách có nhiều cầu thủ 18-19 tuổi, nếu đưa ra mục tiêu như thế, họ có áp lực lớn. Bởi khi thi đấu với cầu thủ 24 và trên 24 tuổi, đó đã là rào cản tâm lý với cầu thủ của chúng ta rồi. Chúng ta không nên tạo thêm áp lực nữa cho cầu thủ. Tôi tin rằng các cầu thủ cũng hiểu. Dù tôi không đưa ra mục tiêu cụ thể cho đội tuyển, nhưng chắc chắn, tôi biết cầu thủ hiểu tôi đang muốn gì”.

Ở trận ra quân diễn ra lúc 15h chiều nay, đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ chạm trán đối thủ Mông Cổ. Thử thách này được đánh giá là nhẹ nhàng nhất dành cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn ở bảng B. Sở dĩ Mông Cổ bị đánh giá thấp bởi bóng đá nước này không mấy phát triển. Họ đang đứng thứ 183 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Tuy nhiên, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn rất thận trọng khi nói đến đối thủ này: “Ở đây không có đội nào mạnh hơn hay đội nào yếu hơn cả, thông tin chúng ta có không phải hoàn toàn như vậy. Nếu các bạn biết Mông Cổ thua Campuchia thì không phải vì thế mà Mông Cổ là đội yếu. Chúng ta phải hình thành thói quen tôn trọng đối thủ, cho dù đội đó là đội nào, về mặt lý thuyết họ mạnh thế nào thì chúng ta cũng phải tôn trọng giống nhau”.

Trận ra quân gặp Mông Cổ có ý nghĩa rất lớn bởi nếu chiến thắng, đó sẽ là một khởi đầu thuận lợi giúp đội tuyển Olympic Việt Nam duy trì sức cạnh tranh so với 2 đối thủ còn lại là Iran và Ả-rập Xê-út.