Mỗi khán giả Việt Nam sẽ phải sẵn sàng chi đậm để được mục sở thị kỳ World Cup lần này. Trong khi đó, giới phóng viên Việt Nam cũng có những mối lo nhất định.

Đến thời điểm hiện tại chỉ có hơn 10 phóng viên Việt Nam xác nhận sẽ sang Qatar để tác nghiệp tại kỳ World Cup 2022, trong số đó có phóng viên Trí Công của Tạp chí bóng đá. Gửi lời cảm ơn đến ban biên tập Tạp chí bóng đá cũng như VFF tạo điều kiện để có thể tác nghiệp ở kỳ World Cup lần này, anh Trí Công chia sẻ rằng đây thực sự là một vinh dự với một người làm phóng viên thể thao, song bên cạnh sự háo hức còn có những “lấn cấn” bởi nước chủ nhà Qatar chưa có những hướng dẫn chính sách chi tiết cho các phóng viên.

“Bản thân tôi cũng mất khoảng thời gian khoảng 1 tháng tương đối stress khi mà phải tìm hiểu xem làm thế nào xin visa, nhưng rất may mắn là cách đây không lâu, phía Qatar họ chốt được việc sử dụng thẻ Hayya để thay thế cho visa. Việc đăng ký Hayya lại rất đơn giản. Tôi cũng cảm thấy hơi lo lắng về mặt chi phí. Thực sự mà nói thì tại nước chủ nhà, số lượng khách sạn hạn chế, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, trong thời gian tới, khi tôi tác nghiệp từ ngày 15 đến 26/11 thì tôi cũng nhận khoản chi phí hỗ trợ từ phía cơ quan, rất mong là chi phí này đủ để trang trải cho quãn thời gian hơn 10 ngày ở Qatar” – phóng viên Trí Công cho biết.

Nếu như phóng viên Trí Công sắp có lần đầu tác nghiệp ở World Cup thì nhà báo Trương Anh Ngọc của Thông Tấn Xã Việt Nam lại đang chuẩn bị cho kỳ World Cup thứ tư của mình. Trong số hàng loạt các quy định khắt khe của nước chủ nhà cũng có không ít những khuyến cáo về việc chụp ảnh nơi công cộng.

“Bình thường thì mỗi kỳ World Cup tôi phải chụp hàng nghìn tấm ảnh, 2018, 2014, 2010 là 3 kỳ World Cup mà tôi đã đi, World Cup 2022 sẽ là kỳ World Cup thứ tư của tôi. Có mặt ở những nước đăng cai giải đấu, thì với tôi bóng đá không chỉ là đá bóng. Khi mà hàng triệu người hướng đến sân cỏ thì tôi lại xem những người đang xem bóng đá, và tôi xem cuộc sống của họ, con người, văn hóa, lịch sử, thậm chí tôi hỏi họ là World Cup tổ chức ở nước bạn, bạn có vui không? Bạn có thích World Cup không? Những chuyến đi như vậy tôi thực sự nhúng sâu mình vào cuộc sống của họ” – nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ.

Thay cho việc xin visa, thẻ Hayya được xem như một Fan ID (mã định danh người hâm mộ) được chính phủ Qatar cấp cho người đến dự các trận đấu của FIFA World Cup Qatar 2022. Thẻ này còn là thẻ vào sân vận động, đồng thời cho phép người sở hữu sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng của Qatar như tàu điện ngầm, xe bus và taxi miễn phí từ ngày 10/11 đến ngày 23/12.

Tương tự Hayya, du khách ghé thăm Qatar dịp World Cup cũng phải cài đặt Ehteraz – ứng dụng di động nhằm phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó, ban tổ chức cuộc thi vừa công bố một tài liệu dày 16 trang có tên "Qatar: những điều nên làm và không nên làm", gồm những hướng dẫn khác nhau này được sắp xếp thành 6 chương. Điển hình như quy định về trang phục: với nữ giới thì váy quá ngắn, áo crop-top đều bị cấm, còn nam giới không được phép mặc áo ba lỗ, nghiêm cấm cởi trần. Qatar yêu cầu quần áo của du khách không quá chật cũng không quá trong suốt…

Ở tuổi 76, nhà báo kỳ cựu Vũ Công Lập sẽ dõi theo World Cup từ quê nhà. Từng cảm nhận những điều thú vị ở Qatar, vị chuyên gia bóng đá này cho biết: “Một trong những mục tiêu của World Cup là đất nước đăng cai tự giới thiệu mình, tôi cũng nghĩ đến Qatar như một điểm đến có thể làm nhiều người hài lòng. Cách đây khoảng 5 năm tôi có đến Qatar, tôi phải nói rằng sa mạc của họ nó không như mình tưởng. Ngày xưa tôi nghĩ sa mạc là nóng lắm, thế nhưng ở đây thì sa mạc, nhiệt độ có thể là cao nhưng cảm giác nóng không đến nỗi khó chịu. Tôi đi trên cát mà thấy thú vị lắm. Có lẽ là chúng ta cũng thay đổi quan niệm và chúng ta có trải nghiệm mới”.

Nhà chức trách Qatar cho biết hơn 1,5 triệu người đã đăng ký thẻ Hayya để tới tham dự World Cup 2022 - ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ khai mạc vào ngày 20/11 tới.