Phong trào Patin tại Việt Nam được hình thành và nhanh chóng tạo ra “cơn sốt” cùng sự ra đời của hàng loạt sân trượt vào cuối thập niên 80, khi đó loại giày Patin phổ biến là 4 bánh 2 hàng bánh. Từ cuối thập niên 90, phong trào Patin bắt đầu xuống dốc, hàng loạt sân trượt đóng cửa vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Đến năm 2006, Patin dần lấy lại sức hút cùng sự xuất hiện giày trượt 1 hàng bánh, với nhiều nội dung tập luyện phong phú hơn. Tuy vậy, Patin ở nước ta chỉ có thể thoát khỏi cái mác “thể thao đường phố” vào năm 2021, khi Liên đoàn Trượt băng Việt Nam tiến hành Đại hội bất thường để cùng thống nhất đề nghị Bộ Nội vụ cho phép đổi tên thành Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam.

“Môn trượt băng và môn Roller được đưa vào hệ thống quản lý Nhà nước của Tổng cục TDTT. Cụ thể, được đưa về quản lý tại Vụ thể thao thành tích cao 2. Và chúng tôi nghĩ rằng đây là môn mà chúng ta có thể phát triển tốt được và xã hội hóa rất là tốt.” - Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết.

Nói về yếu tố “xã hội hóa” ở môn Roller, không thể không nhắc tới Công ty Thể Thao Hồng Quân – GOX Company, đơn vị đã có hơn 10 năm đồng hành với phong trào Patin tại nước ta. Năm 2008, Roller Sport Việt Nam lần đầu tham gia đấu trường Quốc tế khi tranh tài ở “World Freestyle Skating Championships” diễn ra tại Singapore. Đội tuyển Việt Nam, được thành lập dưới sự quản lý của HLV Lê Quân, giám đốc GOX Company, đồng thời nhận được tài trợ từ Liên đoàn Roller Sports Singapore. Đến năm 2011, đội tuyển Roller Sports Việt Nam tham dự SEA Games 27 tại Indonesia, tuy không đạt thành tích song cũng học tập được nhiều kinh nghiệm quý giá. Và quãng thời gian chục năm vừa qua cũng ghi nhận Roller Sport Việt Nam gặt hái nhiều thành tích tại đấu trường quốc tế.

“Chúng tôi vừa là nhà tổ chức vừa là nhà tài trợ chính luôn, rất là nhiều giải đấu từ năm 2008 đến giờ. Hàng năm chúng tôi có khoảng 4 giải, giải đấu trẻ từ 5 tuổi trở lên, giải đấu chuyên nghiệp cũng có tuy số lượng chưa có đạt được như mong muốn, nhưng đó cũng là bước tiến khá là đáng mừng. Hàng năm chúng tôi đều mời các chuyên gia về để tập huấn cho môn Roller và gần đây, năm vừa rồi có mời chuyên gia về để tập huấn cho môn trượt băng, cũng như gửi đội ngũ của chúng ta qua tập huấn nước ngoài.” - Ông Lê Quân, Giám đốc công ty Thể thao Hồng Quân chia sẻ.

Đáng chú ý, dưới sự bảo trợ của Công ty Thể thao Hồng Quân, Học viện GOX Academy được sáng lập bởi đội ngũ giảng viên tại trường Đại học Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, khóa học Patin đầu tiên chính thức được giảng dạy tại trường Đại học. Đến năm 2017, Roller Sports được đưa vào giảng dạy tại trường Đại Học Công Nghệ Thông Tin – ĐHQG TPHCM.

“Bây giờ có Liên đoàn rồi, bộ môn này được nhìn nhận, không còn là thể thao đường phố nữa, có các tổ chức đứng sau hỗ trợ, tài trợ để các VĐV cũng như HLV, đấy là điều rất là thuận lợi. Hy vọng có thể tham gia thi đấu ở đấu trường SEA Games.” - HLV Đường Văn Tuấn, HLV Patin tại GOX Academy bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Việt Nam khẳng định lợi thế là phong trào có sẵn của Roller thì rất mạnh, tiến tới là sẽ có nhiều giải đấu về Roller, mà là giải đấu chính danh, như là tiến tới tổ chức giải VĐQG, các VĐV được phong cấp là cấp 1 hay kiện tướng.

Ngày nay, nhiều thanh thiếu niên hiểu được lợi ích của trượt Patin cho thể chất và cả tinh thần nên rất hào hứng tập luyện mỗi ngày. Từ nền tảng đó, cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa xã hội hóa và quản lý Nhà nước, môn thể thao Olympic Roller Sport của nước ta sẽ sớm có bước phát triển đột phá.