Năm 2019, đội tuyển U22 Việt Nam từng thắng 2-0 trước chủ nhà U22 Trung Quốc, với hai bàn thắng của Tiến Linh. Cũng vì trận thua này mà HLV của đội U22 Trung Quốc khi đó là ông Guus Hiddink bị sa thải. Mặc dù vậy, đấy vẫn là trận đấu giao hữu và vẫn là trận đấu giữa hai đội U22, chứ chưa phải ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Trước đó, đội tuyển Việt Nam từng thua đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại World Cup 1998, một trận 1-3 và một trận thua 0-4, đều trong năm 1997.

Tờ Sohu của Trung Quốc viết: "Từ năm 1997 đến nay, bóng đá Trung Quốc chưa hề thua bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Nên nhiệm vụ của tuyển Trung Quốc trong trận đấu tới là phải thắng. Hiện nay, ưu tiên của đội tuyển Trung Quốc không còn là vượt qua vòng loại nữa, mà ưu tiên hàng đầu là làm sao để đảm bảo chiến thắng trước tuyển Việt Nam".

Hiện tại, ĐT Trung Quốc đã có mặt ở UAE, nơi họ chọn làm sân nhà, và dành trọn 1 tháng luyện quân tại đây. Trong khi đó đội tuyển Việt Nam đang tích cực tập luyện tại Hà Nội cùng nhiều tín hiệu vui về nhân sự, bên cạnh kỳ vọng về một làn gió mới trong lối chơi. Theo BLV Quang Huy, khi thi đấu với hai đối thủ rất mạnh là Ả rập Xê út và Australia thì sơ đồ 5-4-1 là hợp lý. Tuy nhiên trong tháng 10, dù đá sân khách, gặp Trung Quốc và Oman, về lý thuyết là không mạnh bằng, thì việc triển khai hai tiền đạo là có lý.

“Một cầu thủ như Quang Hải, hoặc Văn Đức đá tiền đạo lùi, chơi ngay sau Tiến Linh cũng là một giải pháp, chứ không cần thiết phải là một khối 4 người ở phía dưới. Hoặc là Văn Toàn chẳng hạn, Công Phượng cũng trở lại rồi, thì tôi nghĩ là chúng ta vừa có những tiền đạo lùi để kết nối, phòng ngự từ xa, vừa giúp Tiến Linh không đơn độc trong bối cảnh đối phương không quá mạnh” – BLV Quang Huy nêu quan điểm.

Phân tích kỹ hơn, cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam chỉ ra rằng, có thể hình dung HLV Park Hang Seo xây dựng tòa nhà 4 tầng, tầng một, móng là phòng ngự, tầng hai là phòng ngự dành được bóng, tầng ba thoát pressing và tấn công nhanh, còn tầng bốn là những đường chuyền cuối cùng để đạt hiệu quẩ tấn công và ghi bàn. Đội tuyển Việt Nam trong hai trận vừa qua hầu như chỉ tập trung vào tầng một và tầng hai, song hai trận sắp tới thì sẽ khác.

“Có lẽ là sức ép pressing của Trung Quốc không quá mạnh và chúng ta có nhiều cơ hội để có bóng, để chơi tấn công nhiều hơn. Và chúng ta quan tâm đến tầng thứ ba và tầng thứ tư, đó là thoát pressing, tổ chức tấn công, nhưng đường chuyền cuối cùng và khả năng tận dụng cơ hội của các cầu thủ. Về chiến thuật thì chưa chắc chắn là 5-4-1, cũng có thể là 5-3-2, miễn làm sao ban huấn luyện cảm nhận được sơ đồ này, đội hình này sẽ giúp cho đội tuyển chúng ta có được những cơ hội tốt nhất, có được những cách đánh tốt nhất để có thể khai thác vào những điểm yếu của Trung Quốc”.

Cũng theo cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam, sự trở lại của Công Phượng mang lại nhiều ý nghĩa ở thời diểm hiện tại: “Công Phượng có thể thi đấu ngay từ đầu, với sự lắt léo, với sự tự tin, với sự quấy rối. Công Phượng cũng có thể vào sân từ hiệp hai, lúc đối phương mệt mỏi để tạo ra sự đột biến, đặc biệt là khi hình dung Công Phượng-Văn Toàn cùng vào sân ở hiệp hai thì bộ đôi rất hiểu nhau này còn tạo ra những điều khác biệt nữa”

Cách đây vài tháng, HLV Park Hang Seo khi trao đổi với kênh truyền thông UCN Sports của Hàn Quốc, đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về thành tích lọt vào vòng loại cuối cùng của Word Cup, cũng như việc khát khao đánh bại đội tuyển Trung Quốc. Ông Park nêu rõ: “Các cầu thủ Việt Nam quyết tâm rất cao là phải thắng được Trung Quốc, nếu xét về thống kê các trận đấu trước đây. Vì lý do này nên tôi hiểu các học trò của mình, và đông đảo người hâm mộ Việt Nam cũng mong mỏi về một chiến thắng trước đội tuyển Trung Quốc Tuy nhiên, đây là điều không phải chỉ cần quyết tâm làm được, mà phải chuẩn bị thật kĩ càng”.