Theo Independent, Toà án Công lý liên minh châu Âu (ECoJ) vừa đưa ra quyết định chính thức về vụ án kiện chống độc quyền của các công ty tham gia tổ chức Super League và Liên đoàn bóng đá châu (UEFA) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

"Các quy định của FIFA và UEFA về việc phê duyệt các giải đấu như Super League là trái với luật pháp EU. Điều này trái với luật cạnh tranh và tự do cung cấp dịch vụ. Việc ngăn chặn các đội bóng dự Super League và cấm cầu thủ, CLB thi đấu ở giải này là bất hợp pháp. Không có khuôn khổ nào cho các quy định nào của FIFA và UEFA đảm bảo tính minh bạch, khách quan, không phận biệt đối xử", phán quyết của ECoJ ghi rõ.

UEFA và FIFA không có quyền kháng cáo quyết định về vụ kiện. ECoJ khẳng định rằng FIFA và UEFA không được phép kiểm soát độc quyền bóng đá, điều này có ảnh hưởng đến người xem truyền hình và tính thương mại với EU. Các đội bóng có quyền tự lo lựa chọn giải đấu của mình.

Năm 2021, chủ tịch CLB Real Madrid - ông Florentino Perez gây rúng động bóng đá châu Âu khi đưa ra ý tưởng thành lập dự án Super League. 12 CLB sáng lập ban đầu bao gồm Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Inter, AC Milan, Juventus; cùng nhóm các đội ở giải Ngoại hạng Anh gồm: Manchester United, Liverpool, Arsenal, Chelsea, Tottenham và Manchester City.

Tuy nhiên, khi đề xuất được đưa ra đã gặp phản ứng dữ dội từ các fan khiến chỉ sau vài ngày nhiều đội đã rút chạy. 12 đội bóng ‘nổi loạn’ giờ chỉ còn 2 đội cầm đầu là Barcelona và Real Madrid, trong khi các đội Premier League không những đã rút lui mà còn bị chính phủ Anh ra luật cấm dự. Các đội Serie A cũng gần như đã rút hết, bao gồm cả Juventus là đội ủng hộ Super League mạnh nhất nước Ý.

Ý tưởng Super League được cho là một giải pháp để các đội bóng lớn của châu Âu kiếm tiền tốt hơn. Do các giải đấu khác thất bại trong việc sánh được với sức mạnh tài chính của Premier League, Real Madrid và Barcelona cảm thấy bị đe dọa hơn bao giờ hết bởi các CLB Anh nên nghĩ ra trò tạo một giải đấu đóng kín (tức các CLB chỉ được mời, không có lên/xuống hạng), quy tụ các đội lớn đông fan nhất châu Âu, để sánh ngang doanh thu với Premier League.

Theo phán quyết của tòa án châu Âu, FIFA và UEFA đã vi phạm luật cạnh tranh thương mại và do đó mọi điều luật họ ban hành cấm các CLB dự Super League đều bị xem là trái luật. Những người đứng đầu ban tổ chức Super League giờ có thể tiến hành các bước để giải đấu này được đi vào tồn tại.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định rằng Super League có được cấp phép hoặc diễn ra hay không sẽ không phụ thuộc vào quyết định này. Đồng thời, mọi quyết định của FIFA và UEFA nhằm xử phạt các đội bóng, cầu thủ dự Super League cũng được xem là bất hợp pháp.