Hội nghị được tổ chức, nhằm lắng nghe ý kiến tâm huyết của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý, các chuyên gia, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia các doanh nghiệp về việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược một cách hiệu quả.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương bày tỏ mong muốn các đại biểu thảo luận, làm rõ các sáng kiến, đề xuất các biện pháp, giải pháp, cách thức tổ chức, lộ trình triển khai thực hiện Chiến lược sao cho hiệu quả.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngoài kế hoạch dài hơi, hàng năm Thành phố đều xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó mỗi năm tổ chức hơn 1.000 sự kiện thể thao uy tín góp phần quảng bá tich cực hình ảnh của Thủ đô…. Đó là một phần của việc triển khai kinh tế thể thao vào thực tế.
"Đối với kinh tế thể thao thì đầu tiên là chúng ta phải suy nghĩ là cái sản phẩm của kinh tế thể thao là sản phẩm gì? Thứ 2 nữa là thị trường mà chúng ta có thể cung cấp cái sản phẩm đó là ai? Và thứ 3 nữa là kết nối dịch vụ", ông Đỗ Đình Hồng nói.
"Hệ thống dịch vụ của chúng ta kết nối giữa sản phẩm với cái thị trường khách hàng ấy ra sao. thì trên cơ sở đó chúng ta xây dựng một bộ 3 sản phẩm cũng như là thị trường khách hàng và dịch vụ kết nối giữa khách hàng và sản phẩm".
Khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược, ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở VHTT Tp Hồ Chí Minh cho biết: việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Nhân cho rằng: "Chúng ta phải tận dụng thế mạnh của các từng các tỉnh thành, ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh, thế mạnh ở các môn nào, quân đội ở các môn nào, để chúng ta tìm ra những thế mạnh các môn để cùng nhau xây dựng nên, chứ chúng ta không có nên công tác, đào tạo một cách đại trà".
"Với mục tiêu giành HCV Olympic, tôi nghĩ rằng chúng ta đã từng đạt HCV, nhiệm vụ này không phải là bất khả thi, mà là chúng ta có cái lộ trình cụ thể để thực hiện.
"Và với dân số của Việt Nam, với sự đầu tư của chính phủ, cả thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng sẽ phải đóng góp làm sao đạt được tỷ trọng lớn trong cái việc đạt được mục tiêu Olympic này".
Trao đổi với báo chí ngoài lề Hội nghị, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nêu rõ: "Những vấn đề mà Cục TDTT sẽ phải chiến khai: rà soát, đánh giá và tổng kết về các hoạt động, cũng như xem các vấn đề của bối cảnh quốc tế, năng lực thực sự của VĐV, HLV, cũng như là cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng của khoa học công nghệ, để dự tính cho kế hoạch sắp tới. Tất cả các vấn đề về kế hoạch, các mục tiêu, chỉ tiêu chúng ta đề ra đều phải dựa trên bối cảnh quốc tế".
"Chúng ta phải định dạng, nhìn nhận và đánh giá được mặt hạn chế để đưa ra những những định hướng phù hợp".
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH, TT& DL Hoàng Đạo Cương giao Cục TDTT khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Kế hoạch của Bộ triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.